Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp hướng dẫn học sinh Lớp Ba viết đúng Chính tả

Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp hướng dẫn học sinh Lớp Ba viết đúng Chính tả

 Dạy học môn Tiếng Việt nói chung và dạy học môn phân môn Chính tả nói riêng đã và đang là nhiệm vụ quan trọng đối với những giáo viên trực tiếp giảng dạy, phân môn Chính tả góp phần rèn luyện ở học sinh kinh nghiệm viết đúng chính tả và kết hợp rèn luyện cách phát âm củng cố nghĩa từ, góp phần phát triển một số thao tác tư duy như: nhận xét, so sánh, liên tưởng ghi nhớ ; bồi dưỡng một số đức tính và thái độ cần thiết trong công việc như tính cẩn thận, chính xác, óc thẩm mĩ, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm.

doc 9 trang Trần Đại 27/04/2023 3363
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp hướng dẫn học sinh Lớp Ba viết đúng Chính tả", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
MÔ TẢ SÁNG KIẾN
 Mã số : 
	1.Tên sáng kiến : Biện pháp hướng dẫn học sinh lớp Ba viết đúng Chính tả.
	2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến : Chuyên môn
 3. Mô tả bản chất của sáng kiến:
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết: 
 Dạy học môn Tiếng Việt nói chung và dạy học môn phân môn Chính tả nói riêng đã và đang là nhiệm vụ quan trọng đối với những giáo viên trực tiếp giảng dạy, phân môn Chính tả góp phần rèn luyện ở học sinh kinh nghiệm viết đúng chính tả và kết hợp rèn luyện cách phát âm củng cố nghĩa từ, góp phần phát triển một số thao tác tư duy như: nhận xét, so sánh, liên tưởng ghi nhớ; bồi dưỡng một số đức tính và thái độ cần thiết trong công việc như tính cẩn thận, chính xác, óc thẩm mĩ, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm.
 	 Xuất phát từ vai trò của phân môn Chính tả tôi mạnh dạn thực hiện đề tài “Biện pháp hướng dẫn học sinh lớp Ba viết đúng Chính tả”qua thực hiện tôi thấy được những ưu điểm và hạn chế như sau :
	Ưu điểm :
	 - Một số học sinh có thái độ học tập tốt, có kĩ năng viết đúng chính tả.
	- Học sinh phát hiện lỗi sai kịp thời và sửa chữa những lỗi viết sai.
	- Học sinh làm được tốt các bài tập chính tả.
	- Học sinh có những tiến bộ rõ rệt bài viết ít sai lỗi chính tả hơn.	
	Hạn chế :
	- Một số em phát âm sai những tiếng có âm ch/tr; r/d/gi nên khi viết các em cũng viết nhầm.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến: 
 - Mục đích của giải pháp: 
Nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích tìm hiểu thực trạng của phân môn Chính tả lớp 3 trong lớp tôi đang giảng dạy, khảo sát các lỗi chính tả mà các em mắc phải. Từ đó, tìm ra một số biện pháp để giúp học sinh viết đúng chính tả, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng văn bản.
 - Nội dung của giải pháp:
 * Tính mới của giải pháp: 
 Mặc dù đề tài chỉ nghiên cứu ở học sinh lớp 3 nhưng rất dễ thực hiện và có thể áp dụng ở cả cấp Tiểu học. Đề tài này tôi đã thống kê những lỗi mà học sinh hay mắc phải và đưa ra một số biện pháp và mẹo chính tả để giúp học sinh dễ nhớ và dễ vận dụng.
 * Các bước thực hiện của giải pháp:
	A. Khảo sát thực trạng:
 	Để xây dựng được kế hoạch thực hiện nghiên cứu biện pháp tôi đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế việc viết chính tả của học sinh ngay từ đầu năm học. Cụ thể khảo sát phân môn Chính tả đầu năm ( 25 em) trong đó có bài viết chính tả tôi thống kê số lỗi chính tả như sau:
	sai 0 - 1 lỗi (4 em)
	sai 2 - 3 lỗi (6 em)
	sai 4 - 5 lỗi (11 em)
	sai 6 - 10 lỗi (3 em)
 sai 11- 14 lỗi (1 em) 
 	Điều đó cho thấy kĩ năng viết của các em còn hạn chế làm ảnh hưởng tới kết quả học tập ở môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác.
	 Nguyên nhân:
 - Học sinh viết sai chính tả chủ yếu do các em bị mất căn bản từ lớp dưới, chưa nắm vững âm, vần, chưa phân biệt được cách phát âm của giáo viên, chưa hiểu rõ nghĩa của từ, chưa có ý thức tự học, tự rèn ở nhà, chưa chú ý khi viết chính tả.
	- Học sinh viết sai chính tả do một số lỗi sau:
	+ Lỗi do vô ý, chưa cẩn thận (như thiếu dấu phụ, thiếu dấu thanh).
	+ Lỗi về các vần khó ( uyu/uêch; oan/oăn; uyn/uynh; ia/uya
	+ Lỗi do phát âm sai (at/ac, et/ec, an/ang, iu/iêu, iêc/iêt, ươc/ươt,r/g )
	+ Lỗi do không hiểu nghĩa của từ (để dành/tranh giành, dở dang/giang sơn, ).
	+ Lỗi do không nắm được quy tắc chính tả (g , ng chỉ được ghép với a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư và gh, ngh chỉ ghép với e, ê, i )...
 	Qua thống kê các loại lỗi, tôi thấy học sinh thường mắc các loại lỗi sau:
	Về thanh điệu: Học sinh chưa phân biệt được hai thanh hỏi và thanh ngã.
	* Ví dụ: nghĩ hè (từ đúng: nghỉ hè ); suy nghỉ (từ đúng: suy nghĩ ); sữa lỗi (từ đúng: sửa lỗi ), 
	 Về âm đầu:
	- Học sinh còn viết lẫn lộn một số chữ cái ghi các âm đầu sau đây:
	+ g/ gh: đua ge, gi bài
	+ ng/ ngh: ngỉ nghơi.
	+ c/ k: céo cờ, cẹp tóc 
	+ s/ x : sẻ gỗ, chim xẻ.
	+ d/ gi: dữ gìn, da vị .
 Qua thực tế giảng dạy trong nhiều năm tôi nhận thấy lỗi về s/x ; g/gh; ng/ngh; r/g; d/gi là phổ biến hơn cả.
	 Về âm chính:
 	 Học sinh hay mắc lỗi khi viết chữ ghi các âm chính trong các vần sau đây:
	+ ai/ay/ây: máy bây (máy bay).
	+ ao/au/âu: lâu bàn ghế (lau bàn ghế).
	+ oe/eo: sức khẻo (sức khỏe).
	+ iu/êu/ iêu: kì dịu (kì diệu).
	+ ăm/âm: đỏ thấm (đỏ thắm); tối tâm (tối tăm).
	+ăp/âp: gập gỡ (gặp gỡ).
	+ ip/iêp: nhân diệp (nhân dịp).
	+ ui/ uôi: cuối đầu (cúi đầu); cúi cùng (cuối cùng).
	+ ưi/ ươi: trái bửi (trái bưởi); khung cưỡi (khung cửi).
	+ ưu/ươu: mươu trí (mưu trí); con hưu (con hươu).
	 Về âm cuối:
 	Học sinh thường viết lẫn lộn chữ ghi âm cuối trong các vần sau đây:
	+ at/ac: đất các (đất cát).
	+ an/ang: cái bàng (cái bàn).
	+ ăt/ăc: mặt quần áo (mặc quần áo).
	+ ăn/ăng: khăng quàng (khăn quàng).
	+ ât/âc: gậc đầu (gật đầu).
	+ ân/âng: vân lời (vâng lời).
	+ êt/êch: lệch bệt (lệt bệt)
	+ ên/ênh: bện tật (bệnh tật).
	+ iêt/iêc: thiếc tha (thiết tha).
	+ uôn/uông: mong muống (mong muốn).
	+ uôt/uôc: suốc đời (suốt đời).
	+ ươn/ương: vường rau (vườn rau).
 B. Một số biện pháp khắc phục lỗi chính tả:
	 a. Luyện phát âm:
	Muốn học sinh viết đúng chính tả, trước hết giáo viên phải chú ý luyện phát âm cho mình và cho học sinh để phân biệt các thanh, các âm đầu, âm chính, âm cuối... Nếu giáo viên chưa phát âm chuẩn, do ảnh hưởng của cách phát âm ở địa phương, sinh ra và lớn lên trong môi trường phát âm như vậy nên các em cũng có thói quen phát âm sai dẫn đến hiện tượng viết sai chính tả. 
	b. Phân tích so sánh:
	Song song với việc luyện phát âm cho học sinh, khâu phân tích so sánh tiếng, từ cũng rất quan trọng trong giờ học chính tả: với những tiếng khó, giáo viên áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh. Với những tiếng dễ lẫn lộn, giáo viên cần nhấn mạnh những điểm khác để học sinh ghi nhớ.
	* Ví dụ : Dạy bài Chính tả (Tập chép): Cậu bé thông minh – TV3 -Tập 1, tr.4
	Cho học sinh nhìn bảng viết đoạn 3: từ “Hôm sau đến xẻ thịt chim”.Trước khi viết bài, giáo viên phân tích cho học sinh hiểu nghĩa một số tiếng dễ lẫn lộn như: 
	+ rèn ≠ rằn. Giúp học sinh hiểu nghĩa rèn trong câu là làm cho con dao sắc bén còn rằn là rằn ri. Nếu học sinh khó hiểu có thể cho học sinh đặt câu để hiểu rõ hơn (Mẹ tôi rèn chiếc dao này thật bén – Cu Tuấn mặc bộ đồ rằn đỏ)
	+ sắc ≠ sắt: sắc là sắc bén còn sắt là thanh sắt (vật kim loại).
	c. Giải nghĩa từ:
	Do phương ngữ của từng vùng miền khác nhau, cách phát âm đôi khi chưa thống nhất với chữ viết nên học sinh cần nắm rõ nghĩa của từ để viết cho đúng.
	* Dạy Chính tả (Nghe – viết): Người mẹ (TV3 – Tập 1, tr.30)
	Nội dung viết: Nhờ Thần Đêm Tối chỉ đường, bà vượt qua bao nhiêu khó khăn, hi sinh cả đôi mắt của mình để giành lại đứa con đã mất.
	Học sinh đọc “dành” nhưng viết “giành”. Giáo viên giúp học sinh hiểu nghĩa: giành là tranh giành, giành phần hơn về mình còn dành là để dành (dành dụm, dỗ dành).
 d. Giúp học sinh ghi nhớ mẹo chính tả:
	Ngay từ lớp Một, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như các âm đầu : k, gh, ngh chỉ kết hợp với âm i, e, ê và âm g chỉ kết hợp với : a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư. Giáo viên còn có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo khác như sau: 
	+ Phân biệt âm đầu s/x : Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s (sắn, sung, sầu riêng, sứ, sả,; sáo, sên, sâu, sán, sóc, sói, sư tử,).
	+ Phân biệt âm đầu tr/ch : Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch (chổi, chum, chén, chảo, chai, chày, chăn, chiếu,; chó, chuột, châu chấu, chuồn chuồn, chào mào,).
	e. Biện pháp giúp học sinh viết đúng chính tả qua các bài tập:
	Các dạng bài tập chính tả thường gặp ở lớp Ba trong HKI là các dạng bài: Bài tập điền vào chỗ trống ; Bài tập tìm từ; Bài tập tìm tiếng ; Bài tập giải câu đố; Bài tập lựa chọn. Sang HKII có thêm dạng Bài tập đặt câu.
	Mỗi bài viết chính tả giáo viên cần luyện học sinh phát âm từ khó, phân tích so sánh tiếng, từ khó, giải nghĩa từ, ghi nhớ mẹo chính tả. Ngoài nhiệm vụ trên giáo viên còn hướng dẫn học sinh làm các bài tập khác nhau để giúp học sinh tập tận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập, giáo viên giúp các em rút ra các qui tắc chính tả để ghi nhớ. 
	g. Sửa lỗi sai sau bài chính tả :
	Sau mỗi bài chính tả tôi cho các em sửa lại những lỗi đã sai ra bên ngoài bài viết và viết lại những chữ đó dưới bài chính tả mỗi chữ viết một dòng để giúp các em nhớ. 
	3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp:
	Qua những năm giảng dạy trực tiếp đứng lớp 3 và tham khảo ý kiến bạn đồng nghiệp, tôi đã áp dụng các biện pháp nói trên, đề tài này có thể vận dụng để giúp học sinh viết đúng chính tả cho các khối lớp khác trong trường Tiểu học. 
	3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp:
	Trong quá trình giảng dạy suốt nhiều năm, tôi đã áp dụng các biện pháp trên và nhận thấy học sinh có tiến bộ rõ rệt. Học sinh hứng thú trong giờ học chính tả không còn “sợ” học chính tả như trước đây. Số lỗi sai giảm hẳn, tỉ lệ học sinh viết sai chính tả giảm đáng kể. 
 Kết quả học tập của phân môn chính tả ngày càng tăng dần dẫn đến chất lượng học Tiếng Việt của lớp có tiến bộ rõ rệt. 
 Qua kết quả trên bản thân tôi nhận thấy, để việc dạy học chính tả đạt hiệu quả ngay từ khi các em mới bắt đầu làm quen với Tiếng Việt, giáo viên cần hướng dẫn các em thật tỉ mỉ về các qui tắc chính tả, qui tắc kết hợp từ,  cung cấp cho các em một số mẹo chính tả
 Để dạy tốt giáo viên chủ nhiệm cần phải không ngừng học hỏi, tham khảo ở sách, báo và kinh nghiệm của anh chị đồng nghiệp, tự tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao trình độ tay nghề, nắm vững phương pháp đặc trưng của phân môn Chính tả, kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh của lớp mình.
	3.5. Tài liệu kèm theo gồm: không 
 Mỏ Cày Bắc, ngày 5 tháng 1 năm 2017

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_bien_phap_huong_dan_hoc_sinh_lop_ba_vi.doc