SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 11 tiếp cận chùm thơ thu của nguyễn khuyến qua đặc tính không gian

SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 11 tiếp cận chùm thơ thu của nguyễn khuyến qua đặc tính không gian

Nguyễn Khuyến làm quan cho nhà Nguyễn vào giai đoạn bi kịch của dân tộc: thực dân Pháp xâm lược. Bi kịch của dân tộc dẫn đến bi kịch của người trí thức, xô đẩy cả một thế hệ trí thức lâm vào hoàn cảnh bất hạnh. Giai tầng kẻ sĩ từng là kẻ dẫn đạo cho dân tộc hàng nghìn năm giờ đây đã sụp đổ một cách nhanh chóng và thảm hại. Những chân lí Nho giáo đã chứng tỏ sự lỗi thời, sự lạc hậu trước nhiệm vụ cứu vãn non sông. Người trí thức Nho giáo hầu như không còn chỗ đứng nào trong xã hội ngoại trừ việc muối mặt đi làm tay sai cho giặc.

Vì yêu nước, ghét kẻ thù và trọng danh dự cho nên nhà thơ bất hợp tác với lũ cướp nước. Khi triều đình nhà Nguyễn kí tạm ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam, Nguyễn Khuyến đã trả áo mũ cho triều đình phong kiến, bỏ quan về quê. Bỏ quan về quê là chấp nhận cảnh sống đói nghèo nhưng trong sạch, tránh xa nguy cơ tha hóa nhân cách.

Tuy nhiên, khi từ quan trở về, cuộc sống của Nguyễn Khuyến không phải là một cuộc sống hoàn toàn thanh thản, ông luôn luôn phải đối mặt với sự lựa chọn giữa vinh và nhục. Thơ ông phản ảnh tâm trạng bi kịch của một trí thức đã mất nước muốn giữ lòng mình với truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc nhưng đó là cả một cuộc đấu tranh đầy đau đớn. Thơ Nguyễn Khuyến vì vậy là tiếng nói của tâm trạng bi kịch của ông. Tâm trạng này đã tạo ra tính chỉnh thể của hiện tượng nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến. Do đó, dù là tiếng cười hay nước mắt, dù là vui đùa hay sầu cảm, dù là bức tranh làng quê hay tiếng nói nhân bản cũng chỉ là hình thức khác nhau để thể hiện tâm trạng bi kịch này.

 

docx 13 trang thuychi01 5722
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 11 tiếp cận chùm thơ thu của nguyễn khuyến qua đặc tính không gian", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT LÊ VIẾT TẠO
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 11 TIẾP CẬN CHÙM THƠ THU CỦA NGUYỄN KHUYẾN QUA ĐẶC TÍNH KHÔNG GIAN
Người thực hiện: Lê Thị Phương
Chức vụ: Giáo viên
SKKN môn: Ngữ văn
THANH HÓA, NĂM 2017
MỤC LỤC
STT
NỘI DUNG
TRANG
1.
MỞ ĐẦU
1
1.1
Lý do chọn đề tài
1
1.2
Mục đích nghiên cứu
2
1.3
Đối tượng nghiên cứu
2
1.4
Phương pháp nghiên cứu
2
2.
NỘI DUNG
3
2.1
Cơ sở lí luận
3
2.2
Thực trạng vấn đề
3
2.3
Nội dung: Hướng dẫn học sinh lớp 11 tiếp cận Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến qua đặc tính không gian
3
2.3.1
Không gian có chiều cao
3
2.3.2
Không gian thanh – trong – sáng
4
2.3.3
Không gian yên tĩnh, lặng lẽ
5
2.3.4
Sự đối lập giữa không gian thiên nhiên và con người
6
2.3.5
Cái nhìn hư vô vào không gian
6
2.4
Hiệu quả của sáng kiến
7
3.
KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
9
3.1
Kết luận
9
3.2
Kiến nghị
9
1. MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài
1.1.1Nguyễn Khuyến là ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học nước ta vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Ông thông minh, học giỏi, có kiến thức uyên thâm và tâm hồn thanh cao, sâu sắc.
Nguyễn Khuyến làm quan cho nhà Nguyễn vào giai đoạn bi kịch của dân tộc: thực dân Pháp xâm lược. Bi kịch của dân tộc dẫn đến bi kịch của người trí thức, xô đẩy cả một thế hệ trí thức lâm vào hoàn cảnh bất hạnh. Giai tầng kẻ sĩ từng là kẻ dẫn đạo cho dân tộc hàng nghìn năm giờ đây đã sụp đổ một cách nhanh chóng và thảm hại. Những chân lí Nho giáo đã chứng tỏ sự lỗi thời, sự lạc hậu trước nhiệm vụ cứu vãn non sông. Người trí thức Nho giáo hầu như không còn chỗ đứng nào trong xã hội ngoại trừ việc muối mặt đi làm tay sai cho giặc.
Vì yêu nước, ghét kẻ thù và trọng danh dự cho nên nhà thơ bất hợp tác với lũ cướp nước. Khi triều đình nhà Nguyễn kí tạm ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam, Nguyễn Khuyến đã trả áo mũ cho triều đình phong kiến, bỏ quan về quê. Bỏ quan về quê là chấp nhận cảnh sống đói nghèo nhưng trong sạch, tránh xa nguy cơ tha hóa nhân cách.
Tuy nhiên, khi từ quan trở về, cuộc sống của Nguyễn Khuyến không phải là một cuộc sống hoàn toàn thanh thản, ông luôn luôn phải đối mặt với sự lựa chọn giữa vinh và nhục. Thơ ông phản ảnh tâm trạng bi kịch của một trí thức đã mất nước muốn giữ lòng mình với truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc nhưng đó là cả một cuộc đấu tranh đầy đau đớn. Thơ Nguyễn Khuyến vì vậy là tiếng nói của tâm trạng bi kịch của ông. Tâm trạng này đã tạo ra tính chỉnh thể của hiện tượng nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến. Do đó, dù là tiếng cười hay nước mắt, dù là vui đùa hay sầu cảm, dù là bức tranh làng quê hay tiếng nói nhân bản cũng chỉ là hình thức khác nhau để thể hiện tâm trạng bi kịch này. 
1.1.2. Theo Xuân Diệu: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh” (SGK Ngữ Văn 11 đã dẫn). 
Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến nức danh là thế nhưng phân phối chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 11chỉ bố trí giảng dạy tác phẩm Thu điếu với thời lượng 45 phút. Phần về tác giả cũng chỉ được trình bày chi tiết hơn ở sách nâng cao. Trong khi ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến tồn tại dưới một chỉnh thể chùm, đều viết về mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ và dựng nên bức chân dung cao đẹp về một nhà nho có khí tiết, phẩm cách cao thượng, thanh khiết. 
Mong muốn học sinh được tiếp cận một cách toàn diện chùm thơ thu, cảm nhận được sâu sắc tài năng, nhân cách và tâm trạng thời thế của nhà thơ chính là lí do để tôi chọn đề tài này.
1.2. Mục đích nghiên cứu 
Giúp học sinh cảm nhận được hình tượng không gian nghệ thuật là một kiểu thể hiện tâm trạng độc đáo của nhân cách văn hóa Nguyễn Khuyến.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu đặc tính không gian nghệ thuật trong chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến. 
Áp dụng vào giờ học tự chọn cho đối tượng học sinh khá lớp 11
1.4. Phương pháp nghiên cứu
-	Soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo. Sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp
-	Dự giờ đồng nghiệp để rút kinh nghiệm
-	Thực nghiệm sư phạm: trực tiếp vận dụng giảng dạy tiết tự chọn lớp 11D (2016- 2017) để đối chứng kết quả đề tài nghiên cứu.
2.NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lí luận
Nổi bật nhất trong thơ Nguyễn Khuyến là mảng thơ vịnh cảnh, trong đó tiêu biểu nhất là chùm thơ thu- chùm thơ được đánh giá giữ vị trí quán quân trong mảng thơ viết về mùa thu của nước ta.
Mùa thu trong thơ Việt Nam từ cổ chí kim đều lấy nền tảng ở mùa thu Bắc Hà làm tiêu biểu. Không gian mùa thu Việt Nam chỉ có một nhưng khi đi vào thơ mỗi tác phẩm lại có một mùa thu độc đáo khác nhau là bởi vì mùa thu khách quan tự nhiên đã đi qua sự khúc xạ tâm hồn và tâm trạng nhà thơ mới trở thành hình tượng thu trong tác phẩm. Do vậy khi phân tích thơ mùa thu không thể quên tâm trạng của nhà thơ đã ám ảnh vào cảnh vật, vào không gian. Hình tượng không gian nghệ thuật trở thành một kiểu thể hiện tâm trạng độc đáo của nhân cách văn hóa Nguyễn Khuyến. Hiểu được đặc tính không gian trong chùm thơ thu sẽ mở ra thế giới tâm hồn nhà thơ.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
-	Học sinh chỉ biết đến bài Thu điếu. Chỉ dừng lại ở cảm nhận Thu điếu là một bức tranh về mùa thu đẹp nhưng buồn. 
-	Một bộ phận (rất ít) có đọc và tìm hiểu thêm Thu vịnh và Thu ẩm, nhưng khi kiểm tra sự thâm nhập tác phẩm của các em thì chỉ dừng lại ở cách hiểu: chùm thơ thu là 3 bài thơ viết về các hoạt động, thú vui trong mùa thu của một nhà nho ở ẩn: mùa thu uống rượu (Thu ẩm), mùa thu làm thơ (Thu vịnh), mùa thu câu cá (Thu điếu). Việc xâu chuỗi để phát hiện được cốt cách, tâm trạng của nhân vật trữ tình qua tín hiệu nghệ thuật là điều các em chưa làm được.
2.3. Nội dung sáng kiến: Hướng dẫn học sinh lớp 11 tiếp cận Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến qua đặc tính không gian
2.3.1.Không gian có chiều cao
Thu vịnh mở ra với một bầu trời thu vô cùng cao rộng “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Cái “xanh ngắt” mang đặc trưng riêng của trời thu (ít mây, xanh và sâu thẳm). Cũng chính cái xanh ngắt đó đẩy trời thu lên cao vòi vọi. Nhưng dường như nhà thơ chưa bằng lòng với chiều cao do từ “xanh ngắt” gợi ra, nên cuối câu thơ còn hạ thêm “mấy tầng cao”.Trên cái nền trời cao vời vợi đó hiện lên một nét vẽ rất thanh thoát, rất thần thái: “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Một đường cong mềm mại của cần trúc với dăm ba chiếc lá lay động nhẹ trước gió (lơ phơ gió hắt hiu) càng làm cho không gian thu được mở rộng. Tuy là nét vẽ mảnh mai, rất nhỏ nhưng rất sắc nét làm nổi bật được cái chiều cao vòi vọi của không gian thu. Có thể nói từ trời thu xanh ngắt bao la đến những cảnh vật thanh mảnh đều tập trung gợi ý niệm về không gian thu. Ngay cả các hình ảnh: “Song thưa để mặc bóng trăng vào” và “ Một tiếng trên khỗng nước nào” cũng đều nói tới trời cao, đều gợi sự xa xăm, gợi được cái bâng khuâng về không gian.
Không gian trong Thu điếu nếu ban đầu chỉ hạn hẹp trong cái ao thu với “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, “nước trong veo”, “sóng biếc” thì đến cuối bài, cặp mắt quan sát của nhà thơ chuyển hướng, không gian được nới rộng thêm cả chiều rộng và chiều cao. Từ ao thu lạnh lẽo tác giả phóng tầm mắt lên cao để nhìn thấy “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”; phóng tầm mắt ra xa để thấy “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Nếu “nước trong veo” hướng tới độ sâu thì “trời xanh ngắt” lại mở thêm về độ cao. Chúng dội vào nhau làm nên cái chiều cao vời vợi của không gian thu. “Ngõ trúc quanh co” làm cho không gian thu không còn tức tối dồn ép trong phạm vi hạn hữu của một cái ao làng. Không gian cao, sâu ấy khiến ta có thể cảm nhận được đến gan ruột cái lạnh lẽo của “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, cái nhỏ nhoi đơn chiếc của con thuyền “bé tẻo teo”.
Thu ẩm dù mở ra ngay trước mắt người đọc là “Năm gian nhà cỏ thấp le te”, là “ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” thì rồi cuối cũng vẫn là cái ngước lên đầy tâm trạng: “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Vẫn tiếp tục miêu tả cái xanh ngắt của trời thu nhưng đã nghiêng về sắc thái băn khoăn. Phải chăng sắc thái ấy xuất phát từ cái quyến luyến chung, ôm trùm chung của con người và cảnh vật.
Không gian trên cao vừa là không gian thiên nhiên, lại vừa là một đặc điểm của không gian thơ trung đại. Thường là của các nhà thơ đã có thái độ quay lưng với thực tại cuộc sống đen tối, muốn tìm tới một thế giới trên cao để giải thoát. Khuynh hướng vươn lên cao biểu hiện một tâm hồn cao thượng. Cái thanh thoát, cái nhẹ nhõm, cái rộng lớn, cao vời vợi, sâu thăm thẳm trong một không gian đa chiều được gói trọn trong bầu trời thu xanh ngắt không hề vẩn tạp như để thanh lọc tâm hồn con người, giữ cho nhân cách thanh sạch. Từ không gian cao rộng của thiên nhiên mở ra mạch nguồn sâu kín trong tâm hồn nhà thơ: đó là nỗi thẹn với ông Đào khi chợt “ nghĩ ra”, là sự bất lực khi “tựa gối buông cần lâu chẳng được”, là sự “say nhè” dù mới “độ năm ba chén” Nỗi niềm sâu thẳm ấy là chiều sâu của tâm trạng, là tiêu điểm của bức tranh thu.
2.3.2. Không gian thanh- trong- sáng
Trước hết là độ trong của nước, của trời. Nước có trong thì mới phản chiếu được màu xanh ngắt của trời thu xuống ao thu thành “nước biếc” (Nước biếc trông như từng khói phủ- Thu vịnh). Không chỉ trong mà còn “trong veo” (Ao thu lạnh lẽo nước trong veo- Thu điếu). Trong đến trong veo là cái hết độ của trong, là trong đến tận độ, trong tưởng nhìn thấu đáy. Trời trong xanh không một gợn mây. Sóng biêng biếc phản chiếu màu cây, màu trời.
Màu sắc của sự vật rất thanh nhã: biếc nước, xanh trời, vàng lá, nhạt khói tạo nên sự hài hòa với độ trong của toàn bộ không gian thu. Không rực rỡ chói lóa như mùa hè, ảm đạm như mùa đông hay tưng bừng màu sắc như mùa xuân, dịu nhẹ, thanh sơ là tự đặc trưng của mùa thu. Nó dễ dàng hòa hợp, đồng điệu với tâm hồn nhà nho điềm đạm, thanh cao như Nguyễn Khuyến.
Làm sáng lên không gian thu phải kể đến sự hiện diện của trăng. Trăng lung linh, lan tỏa, lóe sáng trên mặt nước ao thu (Làn ao lóng lánh bóng trăng loe - Thu ẩm). Trăng như một khách thể tìm đến với con người (Song thưa để mặc bóng trăng vào - Thu vịnh). Hồn thơ thi nhân hẳn phải rất hào phóng, rất khoáng đạt đối với trăng thì giữa người với trăng mới có được sự thân thiện, gần gũi đến như thế. Ngay cả hình ảnh của “đóm lập lòe” trong “ngõ tối đêm sâu”, dù ít ỏi nhưng nó vẫn là thứ ánh sáng của đồng nội, làm sáng lên không gian thơ và tâm hồn con người.
Phải là một không gian thu rất thanh trong, rất trong sáng, một không gian mở cao rộng, phóng khoáng mới nhìn thấy bầu trời thu “xanh ngắt”, thấy “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”, thấy “Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt”, và cả “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Không gian ấy là sự phản chiếu thế giới tâm hồn thanh cao, trong trắng của nhà nho đầy khí tiết như Nguyễn Khuyến. Bởi như một sự tất yếu, những tâm hồn trong trắng thường hướng tới những không gian thanh cao, trong sáng.
2.3.3.Không gian yên tĩnh, lặng lẽ
Cảnh thu trong Thu vịnh phảng phất một chút gì đó man mác, nhẹ nhàng. Có lay động mà cảnh vẫn vắng lặng “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Đành rằng trúc ở dạng cần thì phải lơ phơ, gió thu thì phải hắt hiu. Nhưng nếu ở một tâm hồn đang rạo rực niềm vui, đang cuồng nhiệt trước thời đại và đất trời thì những lay động trên không buồn, không vắng lặng đến như thế.
Cảnh thu trong Thu điếu hiện ra với rất nhiều chi tiết, nhiều tầng, nhiều lớp (một ao thu, chiếc thuyền câu, người đi câu, ngõ trúc, trời xanh) nhưng thu vẫn diễn ra trong lạnh lẽo, trong vắng vẻ đến tĩnh lặng. Mọi cử động đều rất ít ỏi: sóng chỉ “hơi gợn tí”, lá thì “khẽ đưa vèo”. Dường như chỉ nhận ra cái diễn biến lá rời cành là do cái bay chứ không phải sự rơi của lá. Nếu so với Thu vịnh, bức tranh thu này có nhiều lay động hơn: có sóng nước gợn tí, có lá đưa vèo, cá đớp động nhưng sự tĩnh lặng vẫn không thể nào phá vỡ.
Thanh tĩnh là không gian bao trùm cả Chùm thơ thu. Dường như nỗi u hoài trong lòng tác giả đã nhuốm trùm lên toàn bộ cảnh vật, phủ lên cảnh vật một vẻ hiu hắt rất đặc biệt. Tác giả đặc biêt nhạy cảm với những gì thanh vắng. Và càng nói về cái thanh, cái vắng thì nỗi cô đơn, u hoài càng nhân lên, bộc lộ một cách sâu sắc. Không gian yên ắng, vắng lặng đó rất phù hợp với tâm trạng ẩn dật của nhà thơ. Nó phản chiếu một tâm hồn ưa thích sự tĩnh lặng, không thích sự xô bồ, không thích cuộc sống ồn ào, náo nhiệt.
Trong cả ba bài thơ chỉ có hai tiếng động được trần thuật lại: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào” (Thu vịnh). Nhưng lại là thứ âm thanh không rõ nguồn gốc. Càng không phải âm thanh của ngoại cảnh. Nó là âm thanh trong tâm tưởng, là tiếng vọng của quá khứ trong tâm tưởng. Và nỗi trống vắng không cùng khiến nhà thơ nghe được tiếng cá đớp mồi thật nhỏ: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu). Nó là tiếng động duy nhất trong mỗi bài, là tiếng động lẻ loi một lần nên càng làm tăng thêm sự vắng lặng. Nó chứa đựng một âm thanh đa nghĩa, vừa cô đơn, vừa bất lực.
2.3.4.Sự đối lập giữa không gian thiên nhiên và không gian con người
Không gian thiên nhiên tràn ra trên mặt nước, lên mặt đất và mở rộng tới bầu trời, trở thành không gian thống trị cả ba bài. Trong khi đó, không gian con người thu hẹp lại, bé nhỏ dần: bé nhỏ trong một chiếc thuyền câu ( “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” đã nhỏ lại càng nhỏ hơn trong cảnh trời thu quang đãng, cao rộng); vắng vẻ, hiu hắt trong ngõ trúc, trong một ngõ tối đêm sâu, trong gian nhà cỏ thấp le te. Và ở đó các động thái của con người dường như trống vắng (toan cất bút, tựa gối buông cần, say nhè) nhường cho những động thái của thiên nhiên (cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu, trăng vào, sóng gợn, lá đưa vèo, mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co, đóm lập lòe, lung giậu phất phơ, ao lóng lánh, bóng trăng loe). Sự đối lập ấy khiến con người rợn ngợp trong nỗi cô đơn!
2.3.5.Trong không gian của mùa thu còn chứa đựng cái nhìn hư vô vào không gian và thời gian.
Hư vô từ màu trời:“Trời thu xanh n-gắt mấy tầng cao- Thu vịnh”; “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt- Thu điếu”; “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt- Thu ẩm”. “Xanh ngắt” là màu xanh hư vô. Kết hợp với lượng từ vô chỉ “mấy” tạo nên ý niệm hư vô về giới hạn của màu trời xanh. Và cả “Nước biếc trông như tầng khói phủ” vẫn là cảm nhận hư vô bởi “trông như” chứ không phải là “như”. Tính chất hư vô còn thể hiện ở cái âm thanh không rõ nguồn gốc của “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”. Đó không phải là âm thanh của ngoại cảnh mà là âm thanh trong tâm tưởng. Nó là trạng thái chìm trong hư vô của nhà thơ. “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” là cảm nhận hư vô về hoa. Hoa là biểu tượng của cái đẹp thì theo Nguyễn Khuyến cái đẹp ấy chỉ còn lại trong quá khứ. Nhưng quá khứ xa rồi nên ấn tượng về hoa chỉ còn lại như một ấn tượng mơ hồ, một kỉ niệm về một thời đã mất. “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” lại đặt bên cạnh “Một tiếng trên không ngỗng nước nào” cho ta cảm nhận trạng thái chìm trong giấc mơ của nhà thơ. Yếu tố không gian và thời gian như trĩu nặng trong hồn người.
Tóm lại:
-	Dường như với thi nhân mùa thu là tất cả cho nên thu mới trở thành đề tài lớn trong thơ mình. Thu trong thơ Nguyễn Khuyến rất đặc trưng là cảnh thu ở Việt Nam, rất đặc trưng là cảnh thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một bầu trời thu xanh ngắt, một ao thu sóng gợn lăn tăn, một chiếc lá xiết vèo trong không gian, một ngõ trúc quanh co, mấy chùm hoa trước giậu gợi lên trong lòng người những cảm xúc sâu lắng về quê hương. Không có một lòng yêu quê hương đất nước , không có sự gắn bó với quê hương đất nước không thể có cảnh thu được đặc tả với những chi tiết điển hình như vậy. Phải yêu mùa thu đến độ nào thì thu mới có sức rung động mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ như thế!
-	Cáo quan về quê là sự lựa chọn độc đáo của nhân cách văn hóa Nguyễn Khuyến. Bởi trong khi hầu hết bạn bè nhà Nho cam tâm ở lại làm tay sai cho thực dân Pháp để kiếm lương Tây thì cụ Tam Nguyên ấy lại: “Vườn Bùi, chốn cũ, bốn mươi năm lụ khụ lại về đây- Nguyễn Khuyến”. Trở về là để giữ cho khí tiết trong sạch. Còn sự bất đắc chí, nỗi u hoài và niềm tha thiết với quá khứ, với văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc luôn là niềm day dứt khôn khuây.
Và với một không gian nghệ thuật độc đáo (đã phân tích ở trên) chùm thơ thu mở ra một thế giới tâm hồn vừa cao thượng vừa thẳm sâu, vừa rất gắn bó với thiên nhiên vừa nặng ý thức đối với đời của một nhà nho thanh cao về đạo đức, điềm đạm về tâm hồn. Mở ra cả một nỗi cô đơn, u hoài của người trí thức đã mất nước muốn giữ lòng mình với dân tộc và truyền thống nghìn năm của dân tộc.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục
Với ý tưởng như trên, trong giờ học tự chọn tôi đã hướng dẫn học sinh thâm nhập sâu hơn, rộng hơn, hiểu và cảm tác phẩm một cách chủ động những kiến thức cơ bản, bổ sung và mở rộng để học sinh nắm chắc kiến thức. Bản thân các em tỏ ra thích thú, hưng phấn trong giờ học, tiếp thu chủ động, chính xác và có chiều sâu. Các em phát huy cá tính sáng tạo, sự ham thích tìm tòi nghiên cứu học tập bộ môn được kích thích.
3. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
3.1.Kết luận
Dạy một giờ văn theo nghĩa vụ thông thường có lẽ không phải là thử thách lớn đối với người giáo viên nhưng để mở rộng và khắc sâu kiến thức cho các em (đặc biệt với học sinh có khả năng và có tình yêu bộ môn) thì thực là điều nan giải. Nó đòi hỏi người giáo viên phải có tâm huyết, nghiêm túc học hỏi trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của việc giảng dạy môn Văn phù hợp với khả năng cảm thụ kiến thức của học sinh hiện nay. Rèn luyện cho học sinh thói quen học bài cũ, soạn bài mới, tìm đến với những tác phẩm hay ngoài khuôn khổ sách giáo khoa, tích lũy văn học theo đề tài, chủ đề hoặc giai đoạn. Khơi gợi ở các em niềm say mê chính đáng để có hứng thú học văn, đọc các tác phẩm văn chương.
3.2. Kiến nghị
-	Nhà trường nên có thêm nhiều sách, tài liệu tham khảo, phòng đọc sách để học sinh có điều kiện học tập, có kế hoạch phân phối thời gian học tập ( học phụ đạo, học bồi dưỡng) để chất lượng học tập của các em ngày một hiệu quả.
-	Tôi mong muốn Ban lãnh đạo Sở giáo dục hàng năm tổ chức chuyên đề phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm có giá trị để chúng tôi được học hỏi, vận dụng vào quá trình giảng dạy của bản thân.
XÁC NHẬN CỦA HIỆU TRƯỞNG
 Thanh Hoá, ngày 15 tháng 05 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác.
Người viết
Lê Thị Phương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-	Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn 11
-	Đến với thơ hay (Lê Trí Viễn)
-	Giảng văn văn học Việt Nam (nhiều tác giả)
DANH MỤC
CÁC ĐỀ TÀI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CẤP SỞ GD & ĐT VÀ CÁC CẤP CAO HƠN XẾP LOẠI TỪ C TRỞ LÊN
Họ và tên tác giả: Lê Thị Phương
Chức vụ và đơn vị công tác: Giáo viên trường THPT Lê Viêt Tạo
TT
Tên đề tài SKKN
Cấp đánh giá xếp loại
Kết quả đánh giá xếp loại
Năm học đánh giá xếp loại
1
Cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” – Nguyễn Minh Châu
Sở GD & ĐT
 C
 2006 - 2007

Tài liệu đính kèm:

  • docxskkn_huong_dan_hoc_sinh_lop_11_tiep_can_chum_tho_thu_cua_ngu.docx