SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 8A trường THCS Đông Cương cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận

SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 8A trường THCS Đông Cương cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận

 Hiện nay, việc dạy kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh Trung học cơ sở là một trong những vấn đề trăn trở của không ít các đồng chí giáo viên trực tiếp đứng lớp. Hiện tượng học sinh nghị luận khô khan, văn viết thiếu cảm xúc, thiếu hình ảnh. vẫn không phải là hiếm trong mỗi kì kiểm tra hay thi chọn học sinh giỏi, thi vượt cấp. Việc viết văn đối với học sinh đã thành là một điều khó khăn và cũng gây không ít áp lực, chán nản với ngay cả người chấm.

 Với mục đích tác động vào lí trí để thuyết phục người đọc (người nghe) nhận ra sự đúng sai của vấn đề bàn luận, nên văn nghị luận mang tính luận lí, lập luận chặt chẽ. Thế nhưng trên thực tế, những bài văn nghị luận có sức thuyết phục cao chính là những bài kết hợp cách hài hòa giữa lí trí với tình cảm. Sự mạch lạc, chặt chẽ trong lập luận chứng cứ, chính xác và nhiệt tình của tâm hồn người viết sẽ làm tư tưởng người đọc bừng sáng và trái tim họ rung động. Có được điều đó là do người viết biết kết hợp tốt giữa nghị luận với các yếu tố khác mà đặc biệt là kết hợp với yếu tố biểu cảm. Chẳng hạn như “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh), “Tiếng nói văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi

 Gần đây, có những bài văn nghị luận do chính học sinh viết đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ và quan tâm của xã hội. Chẳng hạn, như bài nghị luận về sức mạnh của đồng tiền do học sinh Nguyễn Trung Hiếu – Nhiều độc giả đã không cầm được nước mắt khi đọc bài văn của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đề bài văn nghị luận là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã vận dụng khá nhuần nhuyễn yếu tố tự sự và biểu cảm khi nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền, hay bài viết bàn về thành công của Hà Minh Ngọc – một học sinh lớp 10 Văn một trường chuyên Hà Nội Có được sức hút lớn ấy, phải chăng là do yếu tố tình cảm chân thành mà các em đã biết vận dụng tốt trong bài viết của mình. Như vậy yếu tố biểu cảm đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo sức thuyết phục và hấp dẫn cho bài văn nghị luận xã hội cũng như nghị luận văn học.

 

doc 19 trang thuychi01 10151
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Hướng dẫn học sinh lớp 8A trường THCS Đông Cương cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài: 
 	Hiện nay, việc dạy kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh Trung học cơ sở là một trong những vấn đề trăn trở của không ít các đồng chí giáo viên trực tiếp đứng lớp. Hiện tượng học sinh nghị luận khô khan, văn viết thiếu cảm xúc, thiếu hình ảnh... vẫn không phải là hiếm trong mỗi kì kiểm tra hay thi chọn học sinh giỏi, thi vượt cấp... Việc viết văn đối với học sinh đã thành là một điều khó khăn và cũng gây không ít áp lực, chán nản với ngay cả người chấm.
 	Với mục đích tác động vào lí trí để thuyết phục người đọc (người nghe) nhận ra sự đúng sai của vấn đề bàn luận, nên văn nghị luận mang tính luận lí, lập luận chặt chẽ. Thế nhưng trên thực tế, những bài văn nghị luận có sức thuyết phục cao chính là những bài kết hợp cách hài hòa giữa lí trí với tình cảm. Sự mạch lạc, chặt chẽ trong lập luận chứng cứ, chính xác và nhiệt tình của tâm hồn người viết sẽ làm tư tưởng người đọc bừng sáng và trái tim họ rung động. Có được điều đó là do người viết biết kết hợp tốt giữa nghị luận với các yếu tố khác mà đặc biệt là kết hợp với yếu tố biểu cảm. Chẳng hạn như “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh), “Tiếng nói văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi  
 	Gần đây, có những bài văn nghị luận do chính học sinh viết đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ và quan tâm của xã hội.. Chẳng hạn, như bài nghị luận về sức mạnh của đồng tiền do học sinh Nguyễn Trung Hiếu – Nhiều độc giả đã không cầm được nước mắt khi đọc bài văn của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đề bài văn nghị luận là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã vận dụng khá nhuần nhuyễn yếu tố tự sự và biểu cảm khi nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền, hay bài viết bàn về thành công của Hà Minh Ngọc – một học sinh lớp 10 Văn một trường chuyên Hà Nội Có được sức hút lớn ấy, phải chăng là do yếu tố tình cảm chân thành mà các em đã biết vận dụng tốt trong bài viết của mình. Như vậy yếu tố biểu cảm đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo sức thuyết phục và hấp dẫn cho bài văn nghị luận xã hội cũng như nghị luận văn học.
 	Chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở cũng đã chú ý dạy học sinh biết vận dụng yếu tố biểu cảm khi viết văn nghị luận. Cụ thể là chương trình Ngữ văn lớp 8, học kì 2 có 2 tiết (Trong đó gồm: Tiết 108: Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận, Tiết 111: Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận). Bản thân tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn khối 8 cũng rất tâm huyết trong việc hướng dẫn học sinh vận dụng yếu tố biểu cảm khi làm bài văn nghị luận.
	Thạc sĩ Trần Văn Chung - Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Huế) cho rằng: “Nếu sử dụng sáng tạo, hợp lí những yếu tố biểu cảm, không chỉ giúp bài văn thêm thuyết phục mà còn tăng thêm tính truyền cảm cho văn nghị luận”. (Trích Báo Giáo dục và Thời đại). Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận, khi giảng dạy cho học sinh tạo lập kiểu văn bản nghị luận, ngoài việc hướng dẫn cho học sinh đảm bảo những đặc điểm riêng của văn nghị luận, người giáo viên cần có một phương pháp để học sinh nắm vững được đặc điểm yếu tố biểu cảm để tăng sức thuyết phục khi các em làm bài văn nghị luận. Từ thực tế giảng dạy và vận dụng thực hành, bước đầu tôi đã thu được thành công đáng kể. Học sinh các lớp thực nghiệm đã có chuyển biến rõ rệt, có hứng thú viết văn nghị luận, bài viết của các em có sức thuyết phục và có sức hấp dẫn rất riêng, thu hút sự chú ý của người đọc, người chấm. Đề tài mà tôi vận dụng là: Hướng dẫn học sinh lớp 8A trường THCS Đông Cương cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận.
1.2. Mục đích nghiên cứu:
 Đề tài nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về cách đưa các yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận và ứng dụng lý thuyết đó trong dạy học văn bản nghị luận ở chương trình Ngữ văn lớp 8.
1.3. Đối tượng nghiên cứu:
Cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận.
1.4. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp lí thuyết; 
- Phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu;
- Phương pháp kiểm tra, khảo sát;
- Phương pháp cố vấn chuyên gia;
- Phương pháp phân tích, tổng hợp, phân loại ...
1.5. Điểm mới của sáng kiến kinh nghiệm:
- Đề tài được thông qua Tổ bộ môn và được các giáo viên đứng khối 8 môn Ngữ văn của nhà trường trực tiếp áp dụng vào bài dạy.
2. NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lý luận của vấn đề: 
2.1.1. Yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận được thể hiện rõ qua ba yếu tố:
a. Các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: 	
	Loại từ có khả năng biểu đạt cảm xúc rõ ràng nhất là những từ, ngữ cảm thán như: Chao ôi, hỡi ôi, than ôi, biết bao, xiết bao, biết chừng nào... Loại từ này được sử dụng để bày tỏ trực tiếp cảm xúc của người viết (người nói). Để tạo ra tính truyền cảm và thu hút sự chú ý của người nghe (người đọc), chúng ta cũng có thể sử dụng loại từ này để tạo nên các câu cảm thán hay kết hợp với một nội dung thông báo nào đó trong bài văn nghị luận.
	Bên cạnh đó, các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt cũng có khả năng bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói (người viết) một cách rất mạnh mẽ. Vì thế, loại từ này cũng có thể sử dụng và phát huy hiệu quả biểu cảm trong bài văn nghị luận, nhất là nghị luận xã hội. Trong đó, các đại từ ngôi thứ nhất số nhiều như: Nhân dân ta, đất nước ta, ta, chúng ta, đồng bào... thường biểu thị tinh thần đoàn kết, thống nhất trong suy nghĩ và hành động.
	Các đại từ ngôi thứ hai, thứ ba số ít hoặc số nhiều như: Bọn, bọn bay, chúng, chúng bay, bọn chúng thường bày tỏ sự căm thù, khinh bỉ, đối nghịch.
	Để công khai bày tỏ quan điểm, thái độ của mình, người làm văn nghị luận cũng có thể sử dụng các từ mang ý nghĩa khẳng định (sự thật là, tin rằng, chắc chắn rằng, quả quyết rằng..) hay phủ định (không, không chịu, không được...), các từ biểu thị sự quyết tâm, kiên quyết (nhất định, quyết, phải được..). Những từ này vừa có khả năng biểu đạt cảm xúc, thái độ mạnh mẽ vừa làm cho lời văn trở nên đanh thép hơn.
	Ngoài ra, trong bài làm văn nghị luận, người viết còn có thể sử dụng thêm những từ, cụm từ đậm phong cách khẩu ngữ vào câu văn nghị luận nhằm tạo được sự chú ý cho người đọc.
b. Sử dụng yếu tố biểu cảm gắn với các loại câu:	
	Trong văn nghị luận, người viết phải cố gắng đi tìm những cách diễn đạt mới mẻ, độc đáo. Yếu tố biểu cảm được thể hiện ở các kiểu câu:
- Câu cảm thán: bộc lộ cảm xúc trực tiếp.
- Câu hỏi tu từ: Câu hỏi tu từ là loại câu có hình thức nghi vấn nhưng nội dung của nó đã bao hàm ý trả lời. Xét về hiệu quả biểu cảm, câu hỏi tu từ dùng để khẳng định hay phủ định một vấn đề nào đó được đề cập đến trong câu và tăng cường tính diễn cảm của lời nói.
 	- Các câu văn dài, nhiều thành phần có kết cấu cân xứng nhằm ra nhịp điệu và sức lan tỏa mạnh hơn.
	Trong một số trường hợp, người viết có thể dùng câu đơn không gắn với các thành phần phụ hay tách các vế câu ra thành câu độc lập nhằm mục đích nhấn mạnh một nội dung nào đó.
	Ngoài ra, người viết văn nghị luận cũng cần đặt những câu có tính chất hội thoại, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày nhằm thu hút sự chú ý và hứng thú của người đọc, từ đó góp phần tăng thêm tính biểu cảm cho lời nói. Nhằm tạo ra tính biểu cảm cho bài văn nghị luận, việc sử dụng câu không theo một mô hình hạn định nào mà phụ thuộc vào năng lực sử dụng ngôn ngữ của người viết. Đôi khi, không cần quá cầu kì trong câu văn nhưng người viết vẫn có thể tạo ra một bài văn nghị luận chặt chẽ, sâu sắc và truyền cảm.
c. Sử dụng yếu tố biểu cảm gắn với một số biện pháp tu từ:	
	Biểu cảm và tạo hình là hai chức năng chính của các biện pháp tu từ. Bất cứ biện pháp tu từ nào, ngoài tác dụng gợi hình, còn có tác dụng gợi cảm. Trong mỗi loại văn bản, biện pháp tu từ được sử dụng với những mục đích khác nhau. Nếu như trong ngôn ngữ nghệ thuật, việc sử dụng biện pháp tu từ chỉ cốt yếu tạo ra tính hình tượng thì trong văn bản nghị luận, nó lại được sử dụng nhằm tăng thêm sức mạnh cho sự đánh giá, bình luận và tăng thêm tính truyền cảm cho lời văn
	Vì vai trò quan trọng đó, không một bài văn nghị luận nào, nhất là các văn bản chính luận lại không sử dụng các biện pháp tu từ. Một số biện pháp tu từ thường được sử dụng trong bài văn nghị luận nhằm tạo ra hiệu quả biểu cảm như sau:
- So sánh trong văn nghị luận chủ yếu làm cho vấn đề nghị luận hiện lên cụ thể, vừa gần gũi vừa ấn tượng, dễ đi vào lòng người đọc hơn.
- Điệp ngữ là sự lặp đi lặp lại có ý thức những từ, ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh ý, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc, người nghe... Nhờ điệp ngữ, câu văn mới tăng thêm tính cân đối, nhịp nhàng, hài hòa, có tác dụng nhấn mạnh một sắc thái ý nghĩa, tình cảm nào đó, làm nổi bật những từ quan trọng, khiến cho lời nói trở nên sâu sắc, thấm thía, có sức thuyết phục mạnh. Với khả năng đó, điệp ngữ được sử dụng nhằm tạo ra được tính truyền cảm cho văn bản nghị luận.
- Ngoài ra, người viết cũng có thể sử dụng thêm nhiều phương tiện và biện pháp tu từ khác nhằm tăng thêm tính biểu cảm và thuyết phục cho văn bản nghị luận như phép đối, phép sóng đôi, liệt kê...
2.1.2. Vai trò của các yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận: 
Các yếu tố biểu cảm có vai trò khá quan trọng trong bài văn nghị luận. Tuy nhiên, dù sao chúng cũng chỉ là những yếu tố phụ, được sử dụng nhằm tăng sức thuyết phục, tác động của vấn đề đối với bạn đọc. Bởi vậy, tuyệt đối không được lạm dụng các yếu tố này.
2.1.3. Sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt và biểu cảm:
Sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nói chung và biểu cảm nói riêng là một việc làm không hề dễ dàng, ngay cả đối với những cây bút chuyên nghiệp. Nó không chỉ đòi hỏi kiến thức về các phương thức này mà còn phải có kinh nghiệm giao tiếp và vốn sống, vốn ngôn ngữ nhất định. Vì thế, những kiến thức về sử dụng kết hợp yếu tố biểu cảm khó có thể chuyển hóa thành kĩ năng nếu các em vẫn còn học tập một cách đối phó, càng không thể sử dụng được nếu các em tỏ ra hời hợt, vô cảm với đề Văn.
2.2. Thực trạng của vấn đề:
Qua khảo sát thực tế (dự giờ thăm lớp) và thực tế giảng dạy của bản thân nhiều năm ở trường THCS Đông Cương, tôi thấy:
2.2.1. Về phía giáo viên:
- Giáo viên không thích dạy các tiết tập làm văn bằng các tiết văn bản và các tiết tiếng Việt nên ít thày cô chọn các tiết hội giảng, tiết chuyên đề ngoại khóa về tập làm văn. Thậm chí ngay trong các kì thi giáo viên giỏi các cấp, các thầy cô cũng không muốn dạy tiết tập làm văn, đặc biệt là văn nghị luận. 
- Giáo viên đã có ý thức ra bài tập rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận nói chung, cách sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục cho bài văn nghị luận nói riêng cho học sinh, tuy nhiên hệ thống bài tập chưa nhiều, học sinh chưa thuần thục những kĩ năng nghị luận cơ bản và một thực tế nữa là thầy cô giáo chỉ chọn cách dạy học sinh viết văn nghị luận sao cho rõ hệ thống luận điểm, luận cứ. Bài viết cứ bám sát và làm sáng tỏ được vấn đề cần nghị luận là đạt yêu cầu mà chưa thật sự chú trọng vào khâu hướng dẫn học sinh biết kết hợp các yêu tố khác như biểu cảm, miêu tả, tự sự... Phương pháp này còn nặng về hình thức, học sinh viết văn khô khan, nặng về lí thuyết, cứng nhắc, thiếu đi sự mềm mại, nhiệt tình của cảm xúc, đôi khi suy nghĩ phụ thuộc vào tài liệu làm mất đi tính sáng tạo trong khi tiếp cận vấn đề nghị luận. 
- Việc hướng dẫn học sinh tạo lập các đoạn văn (bài văn) nghị luận có sự kết hợp với các yếu tố biểu cảm, giáo viên vẫn chưa dành nhiều thời gian, tâm sức. Khi giảng dạy các tiết 108, 111, giáo viên thường mới chỉ mang tính giới thiệu là chủ yếu. Giờ học ở các tiết này, vì vậy thiếu chiều sâu, ít có liên hệ thực tế và so sánh ... 
2.2.2. Về phía học sinh:
- Phần lớn học sinh viết văn nghị luận chủ yếu trình bày những nhận xét, đánh giá về vấn đề nghị luận, chú trọng đến việc xây dựng luận điểm song chưa có ý thức rõ việc đưa yếu tố biểu cảm vào bài viết. Điều đó dẫn đến việc văn nghị luận viết rất khô khan, dập khuôn, thiếu tính chủ quan, sức thuyết phục vì thế không cao.
- Hoặc có học sinh cũng biết vận dụng nhưng lại lạm dụng yếu tố biểu cảm, tức là sử dụng yếu tố biểu cảm quá nhiều khiến phá vỡ mạch nghị luận. Bài văn nghị luận vì thế mà trở nên sáo rỗng, giọng điệu hô hào thậm chí giả tạo, gượng ép nữa...
- Chưa phân biệt rõ yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận. Thậm chí đối với học sinh yếu kém, các em còn không hiểu yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận là gì, có vai trò như thế nào... dẫn việc văn viết sơ sài, thiếu cảm xúc.
Nguyên nhân cơ bản và trực tiếp có thể thấy ngay là:	
 	- Về phía giáo viên: Ít chú trọng đến vai trò của yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận nên bài giảng chưa được đầu tư đúng mức. 
 	- Về phía học sinh: Do các em nắm mơ hồ phần lí thuyết nên xem nhẹ việc vận dụng thực hành đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận. Chưa chịu phát huy tính sáng tạo, hứng thú trong khi làm bài văn nghị luận.
 	Như trên đã phân tích, thì hệ quả của nó là hầu hết các bài viết của học sinh viết dập khuôn, chưa thể hiện được cách nhìn nhận riêng, cảm xúc riêng của người viết. Dẫn đến việc giáo viên đếm ý khi chấm văn (Bài viết có luận điểm, có luận cứ là có điểm), rất ngại đọc chi tiết, tỉ mỉ. Điều này rất khó phát hiện những sáng tạo của học sinh, đặc biệt khó phát hiện cảm xúc riêng của các em trước vấn đề nghị luận.
Xuất phát từ thực tế đó, tôi chọn giải pháp: Hướng dẫn học sinh lớp 8A trường THCS Đông Cương sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm tăng sức thuyết phục khi các em làm bài văn nghị luận.
2.3. Giải pháp và tổ chức thực hiện: 
2.3.1. Hướng dẫn học sinh nắm vững đặc điểm riêng của bài văn nghị luận:	Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục. Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính một cách tự nhiên, liền mạch, ý nọ gọi ý kia. Đòi hỏi hệ thống luận điểm mạch lạc, màu sắc cá nhân của các nhận xét, đánh giá, mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng. Mặt khác, nếu cứ nêu nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng yếu sức thuyết phục, dễ trở nên sáo rỗng. Kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, chứng minh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà người viết văn nghị luận cần rèn luyện. 
Như vậy, một bài văn nghị luận hay vừa đòi hỏi sự thâm nhập, thẩm bình sâu tác phẩm vừa yêu cầu kĩ năng tổng hợp, khái quát thành nhận định, đánh giá riêng. Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. 
* Biện pháp thực hiện: Tôi sử dụng dạng bài tập nhận biết đặc điểm của văn nghị luận để củng cố và ôn tập cho học sinh kiến thức về văn nghị luận.
Ví dụ: Khoanh tròn vào chữ cái đầu đoạn văn biểu đạt theo phương thức nghị luận:
a. Có bao lí do đế tôi yêu mùa thu - một mùa đẹp trong vòng tuần hoàn của thời gian trôi chảy: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Yêu lắm các vòm trời cao trong xanh vời vợi, vắt ngang vài dải mây trắng lơ lửng trôi! Yêu lắm nắng mùa thu sao dịu dàng đến thế! Nắng thu mỏng mảnh như tơ trời vàng óng phù khắp mọi nơi. Vạn vật được đắm mình tha hồ vùng vẫy trong cái nắng dịu, tươi sáng, trong trẻo như đôi mắt trong veo của bé thơ. Nắng thu không chói chang như nắng mùa hạ, không hanh hao, vàng vọt, yếu ớt như nắng mùa đông. Có ai bảo: Sao giống nắng xuân đến thế! Nhưng không phải ! Mùa xuân nắng mong manh không thành màu, đâu trong sáng như nắng mùa thu. Không những thế, nắng thu còn đánh thức cả lương tâm cây trái, báo hiệu một mùa quả chín đỏ mọng hay vàng ươm đang trĩu trên cành.
(Bài làm của học sinh)
 	b. Biết nói gì với mùa thu khi bầu trời trong veo và xanh thẳm, bao la. Những dải mây mỏng như những chiếc khăn voan vắt ngang bầu trời. Gió thu mát rượi, nhè nhẹ thổi, mang theo hương lúa nếp, hương cốm mới từ các cánh đồng quê. Sau một đêm mưa, trời thu như dịu lại, nắng trở nên vàng hoe. Trăng thu sáng trong vằng vặc. Hoa cúc thêm vàng, cây hồng thêm ửng đỏ, quả bưởi vàng óng căng tròn. Lá vàng bay vào khung cửa sổ, giàn trầu lại xanh trước ngõ, vài quả cam cười chúm chím trên cây. Má các cô gái quê em lại thêm ứng hồng vì mùa thu vội đến.
(Bài làm của học sinh)
	c. Câu chuyện kết thúc. Ngày mới lại bắt đầu, “mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt”. Sự sống vẫn tiếp diễn, mọi người đón “ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm”, nhìn em để buông ra lời nhận xét thờ ơ: “chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Không ai được biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, chỉ duy nhất một người chứng kiến được “cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”, đó chính là nhà văn. Có thể nói, An-đéc-xen đã cúi xuống nỗi đau của một em bé bất hạnh, kể cho ta nghe câu chuyện cảm động này bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ thơ và những con người nghèo khổ; đã cất lên tiếng nói cảnh tỉnh những trái tim đông cứng như băng giá, gửi bức thông điệp của tình thương đến với mọi người.
 (Bài làm của học sinh)
 	Ở dạng bài tập này, học sinh sẽ dựa vào các tiêu chí sau để xác định đoạn văn trình bày theo phương thức nghị luận. (Đáp án: đoạn c). Từ đó, giúp các em củng cố kiến thức về đặc điểm của đoạn văn nghị luận. Cụ thể:
 	- Đoạn văn nghị luận là trình bày những nhận xét đánh giá của người viết về bài văn bài thơ hoặc về một vấn đề xã hội.
- Thường có câu chủ đề (Câu mang nội dung khái quát, lời lẽ ngắn gọn, thường có hai thành phần chính, nêu luận điểm. Câu chủ đề thường đặt ở đầu đoạn văn hoặc cuối đoạn văn).
- Sau hoặc trước câu chủ đề là các câu chứa luận cứ để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Nắm vững đặc điểm này, học sinh sẽ dễ dàng vận dụng các yếu tố khác khi nghị luận mà không sa vào lạm dụng hay phá vỡ mạch lập luận.
2.3.2. Giúp học sinh tìm hiểu để phân biệt và nhận diện yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận 
 	Chúng ta sẽ sử dụng hệ thống bài tập theo mức độ khác nhau từ dễ đến khó để học sinh từ chỗ hiểu khái niệm, đặc điểm, bản chất của các yếu tố biểu cảm để nhận biết, phân biệt và hiểu được vai trò, tác dụng của yếu tố đó rồi đi đến vận dụng sáng tạo.
Bài tập 1: (dạng thông hiểu) Chỉ ra yếu tố biểu cảm và nêu rõ vai trò của nó trong các đoạn văn nghị luận sau: 
a. Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà văn, nhà thơ cần có ba yếu tố chủ quan : tài, trí và tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài, về trí. Đọc Nguyên Hồng, thấy tài và tâm, nhất là tâm, nổi lên hàng đầu. Mà « chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài », ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc. Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đạt luôn cái « tâm » nóng hổi của mình lên trang sách.Nếu cần nói thật khái quát một cái gì chung nhất cho mọi chủ đề tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết, mãnh liệt.
(Nguyễn Đăng Mạnh) 
b. Ở đoạn trước, khi tả cảnh ra đi mạnh mẽ vượt trường giang của đoàn thuyền, hơi thơ băng băng, phơi phới. Đến đoạn này, âm điệu thơ thư thái và dần lắng lại theo niềm vui no ấm và bình yên của dân làng. Chính từ đây, xuất hiện những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của Quê hương:
 Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
 Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
 Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
 Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
 	Chỉ ai là người con của vạn chài mới viết được những câu thơ như thế. Tế Hanh như khắc tạc bức tượng đài người dân chài giữa đất trời lộng gió với hình khối, màu sắc và cả hương vị không thể lẫn: bức tượng đài nồng thở vị xa xăm - vị muối mặn mòi của biển khơi, của những chân trời tít tắp mà họ thường chinh phục. 

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_huong_dan_hoc_sinh_lop_8a_truong_thcs_dong_cuong_cach_s.doc