SKKN Bộ bài quân số một trò chơi hữu ích

SKKN Bộ bài quân số một trò chơi hữu ích

 Trong quá trình dạy học, chúng tôi thấy: Cộng trừ thành thạo (tính nhẩm được) trong phạm vi 20 là một việc rất quan trọng đối với học sinh. Đây là nền móng cơ bản cho việc học Toán ở Tiểu học và các bậc học trên, đồng thời cũng là một kỹ năng cần thiết cho cuộc sống con người.

 Học trò Tiểu học thích “Học bằng chơi, chơi mà học”. Việc thiết kế nên Trò chơi “Bộ bài quân số” chính là nhằm mục đích trên. Trò chơi có thể tổ chức cho mọi học sinh, nhưng đặc biệt hữu ích đối với học trò cuối lớp Một và đầu lớp Hai vì phép cộng, phép trừ hai số hạng là nội dung học tập cơ bản trong môn Toán của hai lớp này.

 Trò chơi đề cập tới kĩ năng “Tự đặt đề Toán”, “Giải toán bằng tính ngược” nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, linh hoạt, sáng tạo trong học tập và thực hành môn Toán của học sinh.

 Tính mới: Đây là một sáng kiến sáng tạo ra một trò chơi hỗ trợ cho việc dạy học môn Toán ở các lớp đầu bậc tiểu học. “Bộ bài quân số” là một đồ dùng dạy học bằng trò chơi chưa có tác giả nào thiết kế triển khai trong thực tế.

 

doc 8 trang thuychi01 11400
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Bộ bài quân số một trò chơi hữu ích", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 “BỘ BÀI QUÂN SỐ”
 MỘT TRÒ CHƠI HỮU ÍCH
A. MỞ ĐẦU.
 Trong quá trình dạy học, chúng tôi thấy: Cộng trừ thành thạo (tính nhẩm được) trong phạm vi 20 là một việc rất quan trọng đối với học sinh. Đây là nền móng cơ bản cho việc học Toán ở Tiểu học và các bậc học trên, đồng thời cũng là một kỹ năng cần thiết cho cuộc sống con người.
 Học trò Tiểu học thích “Học bằng chơi, chơi mà học”. Việc thiết kế nên Trò chơi “Bộ bài quân số” chính là nhằm mục đích trên. Trò chơi có thể tổ chức cho mọi học sinh, nhưng đặc biệt hữu ích đối với học trò cuối lớp Một và đầu lớp Hai vì phép cộng, phép trừ hai số hạng là nội dung học tập cơ bản trong môn Toán của hai lớp này.
 Trò chơi đề cập tới kĩ năng “Tự đặt đề Toán”, “Giải toán bằng tính ngược” nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, linh hoạt, sáng tạo trong học tập và thực hành môn Toán của học sinh.
 Tính mới: Đây là một sáng kiến sáng tạo ra một trò chơi hỗ trợ cho việc dạy học môn Toán ở các lớp đầu bậc tiểu học. “Bộ bài quân số” là một đồ dùng dạy học bằng trò chơi chưa có tác giả nào thiết kế triển khai trong thực tế.
B. NỘI DUNG SÁNG KIẾN.
B1. GIỚI THIỆU “BỘ BÀI QUÂN SỐ” VÀ CÁCH CHƠI.
I. CẤU TẠO BỘ BÀI:
1. Các quân bài: 
- Bộ bài gồm 21 quân.
Kích thước: bằng đúng quân bài Tulơkhơ thông thường (hình chữ nhật đứng, khoảng 9 cm x 6 cm, có nguýt tròn 4 góc).
- Mặt trong quân bài ghi các số từ 0 đến 20 (mỗi quân ghi 1 số). 
- Mặt ngoài quân bài được thiết kế họa tiết, màu sắc giống nhau (để đồng nhất, tránh bị lộ bài khi chơi).
2. Bảng tấn bài: 
 Là nơi dùng để tấn quân bài trong quá trình tổ chức chơi. Bảng có thể tự làm bằng nhiều loại chất liệu (bìa, bạt, vải, gỗ mỏng ), hoặc khi cần có thể vẽ trực tiếp xuống nền gạch, nền đất để chơi. Tùy vào số lượng người chơi, ta có thể vẽ to nhỏ, rộng hẹp cho phù hợp. 
 Xin giới thiệu một Bảng dùng cho 6 người chơi, được làm bằng in bạt như sau:
- Chính giữa bảng ta vẽ một hình lục lăng, đặt tên là ô Đích, dùng để chứa quân bài ĐÁP ÁN bắt buộc mọi người phải tính toán để cho ra được đáp số ấy (nếu thực hiện phép cộng thì là TỔNG; nếu thực hiện phép trừ thì là HIỆU).
- Các vùng khoanh dành riêng cho từng người chơi, dùng để chứa đựng quân bài tấn xuống của người ấy (trong bảng minh họa này có 6 vùng khoanh, mỗi vùng khoanh có hình Quả tim), được chia thành 2 phần:
+ Phần có dấu cộng: Để chứa quân bài khi thực hiện phép cộng.
+ Phần có dấu trừ: Để chứa quân bài khi thực hiện phép trừ.
II. HƯỚNG DẪN CÁCH CHƠI.
1. Tổ chức:
- Nhóm chơi nên có từ 2 đến 6 người. 
- Mỗi người chơi được cầm một bộ bài gồm 21 quân, mỗi quân bài ghi một số (từ số 0 đến số 20).
- Cả nhóm chơi chung nhau một bảng tấn. Mỗi người tự chọn một vùng riêng để chứa quân bài tấn (là các ô vẽ hình tim trong bảng minh họa trên). 
- Việc chơi có thể tổ chức ở mọi lúc, mọi nơi: ở trường, ở nhà, khu dân cư; lúc ra chơi, ngày nghỉ, khi chờ tàu xe 
2. Luật chơi:
- Người chơi ngồi xung quanh Bảng tấn bài, tay cầm bộ bài của mình.
- Mỗi người sẽ được làm nhà Cái lần lượt theo vòng.
 Nhà Cái ra quân Đích và được tấn cặp bài trước (là 2 quân bài có tổng hoặc hiệu bằng quân đích) trong lượt.
 (Việc quy định cho nhà Cái được quyền ra quân Đích, đồng thời được tấn cặp số đầu tiên là nhằm khuyến khích kĩ năng tính toán của trẻ: Lựa chọn nhóm 3 quân bài hình thành được phép tính cộng hoặc phép tính trừ đúng).
- Khi chơi, tất cả đều theo dõi và nhẩm tính xem bạn ra quân có đúng không. Ai tính sai ở lượt nào thì bị ôm bài và mất quyền đi ở lượt ấy. 
 Người chơi cũng có thể thỏa thuận quyền được “Cứu nhau”.
 (Quyền “cứu nhau”: Khi phát hiện bạn mình tính sai, người chơi được phép mách “hỗ trợ” để bạn ra được phép tính đúng. Người được cứu chịu “phết”1 lỗi; người hỗ trợ được “khuyên” 1 vòng thưởng. Số “phết” và “khuyên” được dùng làm chỉ số phụ khi xếp hạng cuộc chơi). 
- Cuối ván chơi, ai đến lượt đi mà không thể ra được cặp 2 quân bài có đáp số như Đích thì được quyền ra 1 quân bài có số giống Đích.
- Ai đến lượt mà không thể ra được quân bài nào vào Đích thì mất lượt ấy. 
- Ai hết toàn bộ quân bài của mình trước tiên là thắng cuộc. Số còn lại tiếp tục chơi để phân thứ hạng cao thấp.
3. Hướng dẫn cụ thể cách chơi:
 * Giả sử có 04 người chơi là A; B; C; D. 
3.1. Tiến hành chơi:
- Giả sử bạn A được quyền làm nhà Cái. 
A phải tìm ra nhóm 3 số có quan hệ với nhau để tấn. Ví dụ: các số 8; 3; 5.
+ A ra quân Đích là Quân bài số 8.
+ Tiếp đó, A tấn hai quân số 3 và số 5 xuống rồi nói: “3 cộng 5 bằng 8”;
 (tức 3 + 5 = 8). Đây là phép tính đúng. A đặt 2 quân bài này vào dấu (+) trong vùng ô Tim của mình (như hình minh họa).
- Kế tiếp, đến lượt B ra quân. 
 Ví dụ: B chọn số 15 và 7 rồi nói “15 trừ 7 bằng 8”; (tức 15 – 7 = 8; đúng).
B được hạ 2 quân bài số 15 và 7 xuống phần dấu (-) trong ô Tim của mình.
- Đến lượt C ra quân. 
Ví dụ: C chọn số 8 và 0 rồi nói “8 trừ 0 = 8” (đúng).
 C hạ 2 quân bài số 8 và 0 xuống ô Tim của mình.
 Lưu ý, trong trường hợp này nếu C nói “8 cộng 0 = 8” thì kết quả cũng được công nhận. C được hạ quân bài xuống phần dấu (-) hoặc (+) tùy thích.
- Đến lượt D ra quân. 
Ví dụ: D chọn số 20 và 12 rồi nói “20 trừ 12 = 8”.
 (kết quả được công nhận đúng bằng 8).
D được hạ 2 quân bài số 20 và 12 xuống phần dấu (-) trong ô Tim của mình.
* Như vậy, lượt A làm nhà Cái đã xong.
 Tiếp theo, đến B làm nhà Cái. Việc chơi cứ tiếp diễn tương tự như trên.
3.2. Trường hợp tính sai:
 Trong khi chơi, mọi người luôn theo dõi xem bạn chơi thực hiện phép cộng, phép trừ có đúng không. Nếu bạn nào tính sai, thì bị ôm cặp bài ấy lên và mất lượt đi ấy. Nếu thỏa thuận quyền “Cứu nhau” thì được bạn “hỗ trợ”.
 Ví dụ: Bạn B là nhà Cái, ra quân Đích là 16.
- B ra tiếp cặp 19 – 3 = 16 (đúng).
- C ra và nói: 17 – 1 = 16 (đúng).
- D ra và nói: 11 + 4 = 16 (sai, vì 11 + 4 = 15).
 Lúc này D bị bạn phát hiện sai. D phải ôm cặp bài 11và 4 lên. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội hết bài sớm của D. 
 Nếu áp dụng Luật quyền “cứu nhau” thì bạn bè có thể nhìn trong bộ bài của D có cặp nào cho ra kết quả đúng để “hỗ trợ" như sau:
 Ví dụ: D còn các quân 13; 15; 17; 5; 3; 2; 1 thì sẽ có các phương án góp ý là (17-1); (15+1); (13+3); tùy D lựa chọn. Tuy nhiên, D sẽ bị “phết” đánh dấu 1 lần do bạn phải cứu. Người bạn đưa ra phương án mà D lựa chọn sẽ được thưởng 1 “khuyên”. 
- Tiếp theo, A ra quân và đọc: 9 + 7 = 16 (đúng).
* Lượt chơi này kết thúc (vì khởi đầu là B, nên A là người đi cuối lượt).
 Sau đó, sẽ đến lượt nhà Cái khác ra quân. 
3.3. Trường hợp được tấn 1 quân:
* Khi không còn cặp bài để thực hiện phép tính đúng, thì được phép tấn 1 quân.
 Thường đến cuối ván, người chơi sẽ không còn các quân bài thích hợp để thực hiện được cặp bài có phép tính đúng. Theo luật, người chơi được quyền ra 1 quân bài trùng với số đích. Nếu ai không thể tìm được quân bài phù hợp thì phải chịu mất lượt chơi ấy.
 Ví dụ: đến lượt D làm Cái.
 Trong tay D còn các quân bài số 0; 6; 7; 14.
 Lúc này D không thể tìm được nhóm 3 số có liên quan để vừa ra quân Đích, vừa tấn cặp bài đầu tiên. D phải chọn 1 quân ra Đích và chịu để người khác chơi tiếp trong lượt. Chẳng hạn D ra quân Đích là số 6. 
- D không tấn được cặp bài (vì chỉ còn các số 0; 7; 14 – D không thể lập được phép cộng hay phép trừ có đáp số bằng 6).
- A tấn và nói: 20 – 14 = 6 (đúng).
- B tấn 17 – 11 = 6 (đúng).
- Đến lượt C tấn. Nhưng C chỉ còn các quân 6, 7; 11; 15; 20.
 Ta thấy, không có cặp số nào đặt được phép tính có kết quả bằng 6. Vậy C được dùng mình quân số 6 để tấn xuống.
* Lượt chơi này kết thúc.
 Sau đó, đến lượt người khác làm nhà Cái.
B2. LINH HOẠT KHI TỔ CHỨC CHƠI :
 1. Thiết kế quân bài nhiều màu:
 - Nếu các bộ bài có màu sắc giống nhau thì sau khi chơi, lúc thu hồi bài sẽ dễ bị nhầm lẫn quân bài của nhau, dẫn đến có bộ bài thừa quân này nhưng lại thiếu quân kia, việc chọn đổi lại các quân bài mất thời gian.
 - Nếu có điều kiện thì cho in các bộ bài màu sắc khác nhau. Điều này sẽ tránh được nhầm lẫn và tăng tính hấp dẫn cho người chơi.
2. Tận dụng thứ sẵn có:
 Ta có thể tận dụng các bộ bài Tu lơ khơ sẵn có để tu sửa lại thành bộ bài theo thiết kế trên. Ví dụ dùng 2 bộ Tu lơ khơ ta điều chỉnh như sau:
- Một bộ để nguyên các quân bài từ số 2 đến số 10. Một bộ sửa từ số 2 đến số 10 thành số 12 đến số 20.
- Điều chỉnh 1 bộ quân Át thành quân số 1; 1 bộ quân Át thành số 11. 
- Điều chỉnh quân Q thành quân số 0.
* Như vậy, ta được 4 bộ bài quân số có họa tiết khác nhau để chơi.
3. Điều chỉnh lượng quân phù hợp với chương trình học:
 Đối với trẻ lớp Một, nếu để cả 21 quân bài cho trẻ chơi là quá sức. Chúng ta có thể cất bớt 10 quân, chỉ để 11 quân từ 0 đến 10 cho trẻ luyện kĩ năng cộng, trừ trong phạm vi 10 là vừa sức.
4. Sử dụng đa năng:
 Theo thiết kế, các quân bài đều có chữ số in to ở chính giữa. Mép trên và mép dưới quân bài có 2 dòng mẫu chữ số theo kiểu viết thường. Ta có thể cho học sinh lớp Một tập tô theo các nét mờ in sẵn. Như vậy, bộ bài còn có tác dụng cho trẻ tập viết các chữ số.
5. Cách dùng chỉ số phụ:
 Như luật “cứu nhau” quy định: Người tính sai được quyền nhận sự “cứu trợ” của bạn để tìm ra được phép tính đúng. Người được cứu chịu “phết”1 lỗi; người hỗ trợ được “khuyên” 1 vòng thưởng. Số “phết” và “khuyên” được dùng làm chỉ số phụ khi xếp hạng cuộc chơi. Ở đây là cuộc chơi có nhiều ván, nếu có từ 2 người trở lên có thứ hạng trùng nhau thì căn cứ vào chỉ số phụ này (lấy số khuyên trừ số phết) để xếp hạng các bạn chơi. 
 Lưu ý: Hình thức “phết”; “khuyên” phải vui, vô hại. Khi thỏa thuận được phép “cứu nhau” thì các quân bài nên đặt ngửa, công khai để các bạn dễ thấy và tính toán hỗ trợ. 
B3. TỰ NHẬN XÉT.
1. Tính mới và tính sáng tạo: 
- Thứ nhất: 
 Khi làm phép tính cộng hoặc phép trừ thông thường có 3 dữ kiện, học sinh được biết trước 2 dữ kiện về số và dấu phép tính, các em chỉ phải tìm số còn lại (tức các em được giao Đề bài để tìm ra Đáp số). Ở trò chơi này, học sinh chỉ được biết trước 1 dữ kiện là Đáp số. Các em buộc phải tìm ra 2 dữ kiện số còn lại và dấu phép tính (tức các em được giao Đáp số, phải tự nghĩ ra Đề bài). Ta tạm gọi đây là thuật toán “Truy ngược để lập phép tính”.
 * Thuật toán “Truy ngược để lập phép tính” chính là tính mới, giúp học sinh có kĩ năng tính nhẩm linh hoạt, sáng tạo khi học toán.
- Thứ hai: 
 Thông thường trong việc học, thầy giáo là người chấm bài cho học trò. Trong trò chơi này, học trò được tự chấm bài cho mình và cùng chấm bài cho bạn.
 * Đây cũng là tính mới, phát huy tính tự giác tích cực của học sinh.
2. Khả năng áp dụng: 
- Trò chơi có thể tổ chức cho mọi học sinh, nhưng đặc biệt hữu ích đối với học trò cuối lớp Một và đầu lớp Hai vì phục vụ trực tiếp cho nội dung học tập môn Toán.
- Khả năng ứng dụng rộng rãi, trò chơi có thể tổ chức được ở nhiều nơi: nhà trường, gia đình, nơi công cộng. Khi chơi, còn có chúng bạn xúm quanh cổ vũ nên tác dụng được lan tỏa.
3. Hiệu quả kinh tế, kĩ thuật và xã hội:
- Trò chơi có thiết kế và cách chơi đơn giản, ít tốn kém, thậm chí có thể tận dụng các bộ bài Tu lơ khơ cũ sửa lại để chơi.
- Trò chơi có tác dụng lớn, rõ ràng trong việc rèn luyện kĩ năng tính toán cho học sinh. Đó là lượng kiến thức, kĩ năng được hình thành thông qua trò chơi hơn hẳn cách thức truyền thụ theo kiểu dạy học truyền thống.
- Giải pháp này bổ sung thêm được một trò chơi lành mạnh, giúp trẻ thực hành tốt việc học trong môi trường an toàn. 
C. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ:
1. Trò chơi “Bộ bài quân số” phục vụ thiết thực cho Nội dung dạy học môn Toán cuối lớp Một, đầu lớp Hai, giúp trẻ nắm vững kiến thức, kĩ năng cộng trừ (tính nhẩm) trong phạm vi 20. Bởi vì: Trong một ván chơi, mỗi học sinh có 21 quân bài nên trung bình thực hiện được 10 phép tính. Theo luật chơi, người chơi phải cùng tính nhẩm theo dõi bạn nên nếu ván chơi có từ 4 – 6 người chơi thì mỗi học sinh sẽ làm được từ 40 đến 60 phép tính trong một ván. Việc thực hành tính toán này có tác dụng lớn trong rèn luyện kĩ năng học Toán cho học sinh.
2. Trò chơi “Bộ bài quân số” chủ yếu yêu cầu kĩ thuật “Truy ngược phép tính” cũng là hình thức đổi mới phương pháp dạy học, giúp trẻ linh hoạt, sáng tạo. 
 Các quy định trong Luật chơi tạo nên các tình huống tương tác tích cực giữa học sinh với học sinh nên có tác dụng tốt trong việc hình thành đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện đại.
3. Trò chơi “Bộ bài quân số” là một sáng kiến “Sáng tạo kĩ thuật” nhằm giúp trẻ được “Chơi mà Học”.
 Trò chơi đã được triển khai thực nghiệm ở các trường Tiểu học Minh Khai 1, Tiểu học Phù Đổng và một số nhóm trẻ từ lớp Một đến lớp Ba trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa và thu được kết quả tốt, cụ thể: 
Trẻ hào hứng đón nhận trò chơi; 
Thông qua việc chơi, kĩ năng tính toán trong phạm vi 20 được cải thiện tốt.
Việc thiết kế công cụ chơi (quân bài và bảng tấn) đơn giản, dễ làm, ít tốn kém.
Kết luận: “Bộ bài quân số” là một trò chơi hữu ích, có tính thực tế, có tác dụng, đã được in ấn hàng trăm bộ và tổ chức cho học sinh chơi đạt hiệu quả tốt. có khả năng phổ biến và ứng dụng rộng rãi.
Kiến nghị: Trò chơi “Bộ bài quân số” nên được đề xuất là một giải pháp “sáng tạo kĩ thuật” giúp học sinh có kĩ năng học tốt môn Toán ở các lớp đầu bậc Tiểu học.
 TP Thanh Hóa, ngày 26/3/2017
 XÁC NHẬN Tôi cam đoan đây là SKKN của mình.
CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Không sao chép nội dung người khác.
 Tác giả:
 Hoàng Xuân Khánh
 (Trường Tiểu học Minh Khai 1,
 TP Thanh Hóa)

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_bo_bai_quan_so_mot_tro_choi_huu_ich.doc
  • doc1. Bia SKKN.Khánh (1 bìa cứng, 1 giấy mềm).doc
  • doc2. MỤC LỤC SKKN. Khánh.doc
  • doc4. DANH MỤC SKKN.Khánh.doc