Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học Chuyên đề các quốc gia cổ đại trên lãnh thổ nước ta
Phương pháp đóng vai là một trong những phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực tự giác, độc lập, sáng tạo cao độ của người học. Phương pháp này đã được phổ biến nhiều nơi trên thế giới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Tại Việt Nam, phương pháp đóng vai đã bước đầu được các nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử và giáo viên ở trường phổ thông quan tâm. Vận dụng phương pháp này vào quá trình dạy học lịch sử ở trường phổ thông sẽ cùng với các phương pháp khác tạo nên sự thay đổi hiệu quả nhằm phát triển toàn diện học sinh cả về nhận thức, tư tưởng, thái độ cũng như năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển từ việc học lấy giáo viên làm trung tâm thành lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện học sinh.
VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI TRONG DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI TRÊN LÃNH THỔ NƯỚC TA ( VẬN DỤNG PHẦN NỘI DUNG: NHÀ NƯỚC VĂN LANG - ÂU LẠC) Nguyễn Hồng Thư Phương pháp đóng vai là một trong những phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực tự giác, độc lập, sáng tạo cao độ của người học. Phương pháp này đã được phổ biến nhiều nơi trên thế giới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Tại Việt Nam, phương pháp đóng vai đã bước đầu được các nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử và giáo viên ở trường phổ thông quan tâm. Vận dụng phương pháp này vào quá trình dạy học lịch sử ở trường phổ thông sẽ cùng với các phương pháp khác tạo nên sự thay đổi hiệu quả nhằm phát triển toàn diện học sinh cả về nhận thức, tư tưởng, thái độ cũng như năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển từ việc học lấy giáo viên làm trung tâm thành lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện học sinh. 1.Một số khái niệm Phương pháp đóng vai là một phương pháp gây sự chú ý và thu hút người học tham gia vào bài giảng. Đây là một phương pháp tạo bầu không khí sôi nổi với những nhân vật, âm thanh xuất hiện. Đóng vai theo Từ điển tiếng việt của Hoàng Phê là “ Thể hiện nhân vật trong kịch bản sân khấu lên màn ảnh bằng hành động, nói năng như thật”. (1) Đóng vai theo cách thông dụng nhất phổ biến nhất là đóng kịch đã được sử dụng trong lớp học và cho thấy hiệu quả rất cao nếu có sự chuẩn bị chu đáo. Theo tác giả Phan Trọng Ngọ nhận định“phương pháp đóng kịch bản trong dạy học là giáo viên cung cấp và đạo diễn nhóm học sinh hành động theo các vai diễn. Qua đó, họ đọc được cách suy nghĩ, thể hiện thái độ và hành động cũng như các kĩ năng ứng xử khác của nhân vật trong kịch bản”.(2) Còn theo PGS.TS Trần Thị Tyết Oanh”cho rằng:“đóng kịch là phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tổ chức quá trình dạy học bằng cách xây dựng kịch bản và thực hiện kịch bản đó nhằm giúp học sinh hiểu sâu sắc nội dung học tập”(3). Có thể hiểu, đóng vai là một trò chơi, trong đó giáo viên đảm nhận phần kịch bản là đạo diễn; còn học sinh sẽ thể hiện các vai diễn đã có trong kịch bản bằng việc nhập vai vào các nhân vật. Người học sẽ chủ động tìm hiểu chiếm lĩnh kiến thức và được hoạt động trực tiếp trong suốt hoạt động đóng vai. Hoạt động trực tiếp trong suốt quá trình đóng vai không chỉ giúp người học khắc sâu kiến thức dễ dàng hơn mà qua đó người học có cơ hội hình thành kinh nghiệm cá nhân và cũng có cơ hội để phản ánh dựa trên kinh nhiệm này. 2. Một số biện pháp triển khai phương pháp đóng vai trong dạy học lịch sử trường THPT 2.1. Đóng vai nhân vật lịch sử. Thuận lợi của đóng vai nhân vật là người học được cung cấp thông tin về nhân vật sẽ đóng. Học sinh có thể tìm hiểu về nhân vật thông qua các tạp chí, sách báo, sách lịch sử hay phim ảnh. Đặc biệt, với các danh nhân, danh tướng thì học sinh sẽ dễ dàng tìm nguồn tham khảo hơn, nhất là qua phim ảnh. Bên cạnh đó còn một nguồn tham khảo rất giá trị, đó là các tượng đài để cho ra tác phẩm giống với nhân vật nhất học sinh có thể quan sát tượng đài để có thể quan sát dáng vẻ, thần thái các nhân vật. Tuy nhiên, việc nhập vai lại không đơn giản bởi mỗi vai diễn sẽ có đặc thù, tính cách riêng, khó khăn nhất là thể hiện cái thần của nhân vật lịch sử. 2.2.Đóng vai tình huống Trong đóng vai thể hiện hình tượng nhân vật, học sinh đã được giáo viên cung cấp thông tin về nhân vật hoặc có thể tìm hiểu về nhân vật từ nhiều nguồn tham khảo khác nhau. Đóng vai tình huống, đòi hỏi học sinh phải tự hình dung về nhân vật sẽ đóng qua các dữ liệu của tình huống. Tuy nhiên, học sinh không bị đi vào lối mòn, không phải gò vai diễn theo bất kỳ khuôn mẫu nào, ngược lại học sinh thỏa thích sáng tạo phát huy hết khả năng của bản thân. Đóng vai tình huống kích thích học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề. Nếu như ở đóng vai nhân vật lịch sử học sinh phải cố gắng diễn sao cho giống với hình tượng nhân vật nhất thì đóng vai tình huống việc diễn không phải là phần chính mà qua vai diễn học sinh thể hiện được nhận thức, thái độ của mình trong các tình huống cụ thể và có cách ứng xử sao cho phù hợp với tình huống đó. Đồng thời, học sinh sẽ bộc lộ khả năng tự nhận thức, giao tiếp, tự giải quyết vấn đề, được rèn khả năng thực hành và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ theo hướng tích cực. Đó chính là cơ sở để giáo dục tư tưởng nhân văn, tình cảm cho học sinh. 2.3. Đóng vai thông qua các hoạt động sân khấu hóa Đóng vai thông qua các hoạt động sân khấu hóa là cách mà thông qua vai diễn theo nhóm hoặc cá nhân về những hình ảnh mang tính ước lệ qua các cử động hình thể để thể hiện những khung cảnh làng quê, hội làng, lũy tre, phong tục, tập quán những nội dung mang tính cộng đồng, những hoạt động đại chúng ( chính trị, văn hóa, giáo dục) trong đó có hoạt động hoạt cảnh truyền thống tái hiện lại một sự kiện lịch sử, hình tượng nhân vật lịch sử, quá trình hình thành một dân tộc, một vùng đất hay tổ chức xã hội để giáo dục truyền thống và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp con người, đất nước. Cảnh diễn là hình tượng của sự kiện, nhân vật lời thoại để thuyết minh cho cảnh diễn. Sân khấu hóa lễ hội là việc tái hiện sự kiện, hình tượng nhân vật được lấy làm tinh thần của ngày lễ. Vai diễn kết hợp với đạo cụ và những cử động sẽ mô phỏng hình ảnh tượng trưng ước lệ nhưng đầy sáng tạo, nghệ thuật. 3. Ưu điểm của phương pháp đóng vai Mỗi phương pháp điều có những vai trò nhất định trong quá trình dạy học. Riêng với phương pháp đóng vai có những vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông, tạo hứng thú học tập cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy học. Phương pháp đóng vai có những ý nghĩa to lớn trong việc phát triển toàn diện đó là: Phương pháp đóng vai làm phong phú thêm phương pháp dạy học cho giáo viên, góp phần tích cực vào xu thế đổi mới phương pháp dạy học lịch sử . Phương pháp dạy học là một tong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp dạy học khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giáo viên và học sinh phát huy hết khả năng của mình trong việc tuyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy; làm thay đổi vai trò của giáo viên, đồng thời tạo nên sự hứng thú và say mê sáng tạo của học sinh. Trong khi đó, hiện ở trường phổ thông, phương pháp thuyết trình vẫn chiếm ưu thế. Chính phương pháp này đã làm mất đi một hình thái khác của tư duy- tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo tập trung vào khám phá các ý tưởng, phát triển thành nhiều giải pháp, tìm ra những phương án trả lời đúng thay vì có một. Trong khi đó, đóng vai là phương pháp kích thích tư duy sáng tạo của học sinh ( sáng tạo trong giải quyết tình huống, trong xây dựng kịch bản, thể hiện hình tượng nhân vật do vậy, đóng vai có thể kết hợp với thuyết trình làm cho bài giảng thêm sinh động, hạn chế những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống. Phương pháp đóng vai giúp học sinh nhận thứ sâu sắc hơn lịch sử đang học, phát triển trí tuệ và giáo dục các phẩm chất nhân cách cho người học. Nhiệm vụ giáo dưỡng thực hiện chức năng cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản là hiện đại, sát với thực tế đất nước và bước đầu hình thành cho học sinh những kĩ năng tương ứng với lượng kiến thức thu được. Phương pháp đóng vai thưc hiện nhiệm vụ phát triển trí tuệ giúp học sinh hình thành các kĩ năng tư duy ( so sánh đối chiếu, tổng hợp, phân tích, khái quát hoá, trừu tượng hóa) và các thao tác tư duy ( tính quyết đoán, độc lập, mềm dẽo) của tư duy. Bên cạnh đó quá trình dạy học cũng nhằm hình thành các phẩm chất nhân cách cho học sinh. Như vậy, dù là phương pháp đóng vai hay bất kỳ phương pháp dạy học nào khác được giáo viên sử dụng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, đều nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của quá trình dạy học. Ngoài việc cung cấp kiến thức sát với mục tiêu cụ thể của bài học đóng vai có vai trò lớn trong việc phát triển khà năng tư duy, óc sáng tạo, đồng thời khẳng định đóng vai là một công cụ hữu ích hơn hản các phương pháp truyền thống, giúp phát triển kĩ năng thực hành cho học sinh, gắn lý luận với thực tiễn, nhất là khi đóng vai để giải quyết các tình huống, qua đó học sinh đươc thể hiện hiểu biết kĩ năng và phương pháp ứng xử của mình, là cơ hội để thể hiện thái độ và cá tính trước đám đông. Phương pháp đóng vai có tác dụng to lớn trong việc tạo hứng thú và động cơ học tập cho học sinh. với tư duy dạy học cũ, mục tiêu giáo dục được đặt ra là là phải hình thành thành cho học sinh các bước: tri thức- kỹ năng- thái độ- hứng thú. Theo đó, học sinh khá thụ động trong quá trình nhận thức kiến thức mới nên mục tiêu giáo dục sẽ có sự thay đổi khác theo các bước: thái độ, hứng thú- kỹ năng- tri thức. Như vậy, hứng thú có vai trò quan trọng nâng cao tính tích cực của người học, tăng hiệu quả của quá trình nhận thức. phương pháp đóng vai là phương pháp mang lại hiệu quả lớn trong việc tạo hứng thú trong học tập cho học sinh, vì khi tham gia vào hoạt động đóng vai học sinh được trao đổi giao lưu với giáo viên, bạn bè để thể hiện tài năng, năng khiếu, thể hiện mình trước đám đông và hòa mình vào không khí lớp học sôi nổi, thân thiện, thỏa mái, không nặng nề, không nhàm chán. Bên cạnh đó, phải khẳng định hứng thú học tập và động cơ học tập có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hứng thú là nguyên nhân hình thành động cơ học tập cho học sinh, không thể ép buộc học sinh học tốt một môn học khi mà học sinh không có hứng thú đối với môn học đó. Phương pháp đóng vai có tác dụng lớn trong việc giáo dục kĩ năng sống cụ thể là: - Kĩ năng giao tiếp. Đóng vai đòi hỏi học sinh phải chủ động trong quá tình học tập như một bên liên quan trong một kịch bản tưởng tượng hay thực, quá trình tham gia đó sẽ giúp học sinh hình thành kĩ năng giao tiếp cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, từ đó giúp học sinh biết cách giao tiếp, ứng xử với bạn bè cùng trang lứa và những người xung quanh. -Kĩ năng giải quyết tình huống. Thông qua đóng vai học sinh thể hiện nhận thức, thái độ trong tình huống cụ thể và phải có cách ứng xử phù hợp với tình huống đó. Đồng thời, qua các vai diễn, học sinh bộc lộ khả năng giao tiếp, tự giải quyết các vấn đề về sức khỏe, các tình huống trong cuộc sống. -Kĩ năng thuyết trình. Không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu thuyết trình, hùng biện và thực tế rất nhiều học sinh đã quen với lối truyền thụ một chiều, chỉ biết lắng nghe, lười đưa ra ý kiến do vậy kĩ năng thuyết trình, thuyết phục người khác là yêu cầu rất cần thiết trước xu thế đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Thông qua việc hóa thân vào vai diễn, học sinh sẽ trở nên tự tin hơn khi đứng trước đám đông ( khán giả) và thấy mình cần cố gắng hơn nữa để vai diễn của mình nhận được sự khen ngợi của khán giã. Nếu được thực hành nhiều học sinh sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân để làm sao thuyết phục được “ khán giả” để “ đốt lửa” và “ Truyền lửa” cho “ khán giả” của mình. -Dùng trong hướng nghiệp cho học sinh.Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “mọi người cần nhớ rằng, giáo dục phổ thông không chỉ nhằm dạy kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội mà còn nhằm cái đích dạy nghề có tầm quan trọng rất thiết thực ở nước ta hiện nay” (4). Phương pháp đóng vai không chỉ tạo không khí học tập sôi nổi, khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh mà còn có khả năng hình thành niềm đam mê nghề nghiệp cho học sinh ngay trong quá tình tìm tòi sáng tạo, xây dựng kịch bản, hóa thân vào vai diễn như đạo diễn, diễn viên, nhà báo, nhà ngoại giao, hướng dẫn viên du lịch 4. Các bước thực hiện - Biên soạn kịch bản, yêu cầu chủ đề và nội dung kịch bản phải liên quan đến nội dung chính của bài học. Giáo viên xây dựng bố cục nội dung, xây dựng nhân vật và các tình huống trong vở kịch. Có thể kịch bản đơn giản chỉ là ý tưởng, phần lời thoại để người học tự sáng tạo. Cần xác định trước thời gian cho vở diễn - Chọn diễn viên và giao nhiệm vụ cho diễn viên. Căn cứ vào nội dung và các nhân vật trong kịch bản, giáo viên chọn người học phù hợp với vai diễn. Cần giao nhiệm vụ rõ ràng để diễn viên nắm được ý tưởng của vỡ diễn, yêu cầu của vai diễn và có thể yêu cầu diễn thử trước khi diễn trên lớp. - Thực hiện việc đóng vai: Người học nhập vai và thể hiện vai diễn, cả lớp cùng quan sát, giáo viên bao quát lớp và cắt vở diễn đúng lúc, không để quá giờ hay đi chệch nội dung vở diễn. - Trao đổi với người học về vở diễn:Sau màn diễn, giáo viên trao đổi, hỏi đáp cùng cả lớp về những nhận xét, suy nghĩ của học sinh quanh nội dung và những vấn đề thể hiện trong vỡ diễn. Tuy nhiên không nên để người học nhận xét về vai diễn. - Giáo viên tổng kết, kết nối các ý kiến của người học với mục đích của kịch bản, bổ sung thêm ý kiến bình luận nếu thiếu, định hướng vào nội dung bài giảng, sữa lỗi nếu có khi đóng vai để thực hành. 5. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học chuyên đề: Các Quốc gia cổ đại trên lãnh thổ nước ta (phần Quốc gia gia Văn Lang –Âu Lạc) Chuyên đề các quốc gia cổ đại trên lãnh thổ nước ta được thiết kế trên phần nội dung kiến thức của ba quốc gia cổ Văn Lang- Âu Lạc, Chămpa và quốc gia Phù Nam. Trong phần Quốc gia Văn Lang- Âu Lạc vận dụng phương pháp đóng vai để thực hiện. Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm hoặc 3 nhóm học sinh tùy theo số lượng học sinh được bố trí theo đơn vị lớp để chuẩn bị các nội dung, nhiệm vụ, nhân vật, sự kiện mà nhóm cần nghiên cứu, tìm tòi tư liệu thực hiện. Nội dung yêu cầu của phần nội dung quốc gia Văn Lang, Âu Lạc gồm : - Cơ sở, điều kiện hình thành nhà nước Văn Lang - Tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang, Âu Lạc - Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu lạc Sau khi giáo viên giao nhiệm vụ các nhóm tiến hành chọn lựa và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm thực hiện nhiệm vụ mà nhóm đã thống nhất. 5.1. Tổ chức đóng vai về nội dung cơ sở, điều kiện hình thành nhà nước Văn Lang Nhóm 1: Thực hiện nhiệm vụ về giới thiệu cơ sở và điều kiện hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Nhóm cử một thành viên đóng vai Hướng dẫn viên để giới thiệu về các di tích khảo cổ thời văn hóa Đông Sơn với những công cụ lao động, vật dụng bằng kim loại đã được các nhà khảo cổ phát hiện,công bố. Nhóm cử trưởng nhóm, để phân công cho các thành viên trong nhóm mình những phần việc như: làm các công cụ, vật dụng bằng đồng thau tra khảo, sưu tầm hình ảnh, clip liên quan đến nội dung nhóm thực hiện trên mạng Internet. Có thể sử dụng kết hợp các vật dụng nhóm đã làm được cùng trình chiếu hình ảnh, clip sưu tầm đươc trên slide phần mềm Powerpoint. Lớp học trở thành một đoàn tham quan theo dõi qua phần hướng dẫn của Hướng dẫn viên về cơ sở hình thành nhà nước, giới thiệu được thuật luyện kim đã đạt đến trình độ cao. Việc sử dụng công cụ lao động bằng đồng thau có tác động rất lớn đến chuyển biến về kinh tế. Kinh tế phát triển dẫn đến những chuyển biến trong đời sống xã hội, xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo. Cùng với điều kiện đặt ra để đáp ứng nền kinh tế nông nghiệp là vấn đề trị thủy và làm thủy lợi cũng như công cuộc chống ngoại xâm dẫn đến việc hình thành nhà nước Văn Lang. 5.2. Tổ chức đóng vai về nội dung tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang- Âu Lạc Nhóm 2: Thực hiện nhiệm vụ về giới thiệu tổ chức bộ máy nhà nước Nhóm chuẩn bị một số công việc sau: - Trang phục : về trang phục học sinh có thể tìm hiểu trang phục qua hình ảnh, clip miêu tả về nhân vật thời Văn Lang - Âu Lạc để thực hiện trang phục cho vai diễn để tăng tính hứng thú -Nhóm cử người đóng vai An Dương Vương và hai chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước Văn Lang- Âu Lạc, vai nhân vật Lạc hầu một học sinh khác đóng vai Lạc tướng để giới thiệu về tổ chức bộ máy gồm: chính quyền trung ương đứng đầu là vua giúp việc Lạc hầu, Lạc tướng. Cả nước tổ chức thành 15 bộ do Lạc tướng đứng đầu bộ. Thông qua ngôn ngữ diễn đạt của các vai diễn để thực hiện các yêu cầu đặt ra có thể so sánh hai quốc gia Văn Lang-Âu lạc; về mặt tổ chức không khác nhau nhưng nhà nước Âu Lạc có lãnh thổ rộng hơn, quân đội hùng mạnh, vũ khí tốt, tường thành kiên cố. Học sinh đóng vai Hướng dẫn viên có thể tiếp tục giới thiệu về thành Cổ Loa qua slide phần mềm Powerpoint và clip giới thiệu về vũ khí đặc biệt được ghi trong truyền thuyết ( Nỏ thần Kim Quy) để khẳng định vấn đề trong truyền thuyết phản ảnh sự thật lịch sử ( Nỏ Liên Châu) Hướng dẫn viên dẫn dắt đoàn vào nội dung đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang Âu Lạc của nhóm 3 5.3. Đóng vai thông qua hoạt động sân khấu hóa đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang Âu Lạc Nhóm 3: Đóng vai thông qua hoạt động sân khấu hóa, có lồng nhạc và lời dẫn đễ diễn đạt về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc. Chuẩn bị : - Phục trang như: khố váy, yếm, trang sức - Đạo cụ: hoa lúa, rơm, tre, rỗ Phần diễn : Cảnh 1 Học sinh nam và nữ tạo hình ảnh về làng nước với những lũy tre bao bọc cư dân,. các nữ sinh di chuyển với các hành động gieo cấy bằng vài động tác hình thể ( nữ nhuộm răn đen) Học sinh nam di chuyển hình ảnh các làng tre tạo thành nhà sàn Nữ sinh gieo hạt xong chuyển vào nhà sàn tượng trưng. Cảnh 2 Học sinh nam và nữ quây quần tạo thành nhiều gia đình, nhiều cộng đồng Lễ cúng cầu mùa. Học sinh nam đóng vai thầy cúng các hành động hình thể miêu tả ước lệ cầu xin các thần cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa tốt tươi Tục cưới hỏi. Tạo thành 2 nhóm học sinh nam và nữ ( bên trai và bên nhà gái) nhóm trai đến xin lễ hỏi cưới Hội mùa. nam nữ quây quần mừng mùa vụ sung túc hoạt ảnh về giã gạo trong không khí vui tươi vụ mùa bội thu Cảnh 3: Kết thúc bằng lời chào kết nhạc ( bài: Dòng máu lạc hồng của Lê Quang) Giáo viên sau màn diễn. Giáo viên trao đổi, hỏi đáp cùng cả lớp về những nhận xét, suy nghĩ của học sinh quanh nội dung và những vấn đề thể hiện trong vỡ diễn Trong các trường phổ thông hiện nay nói chung, trường trung học phổ thông Hòa Bình nói riêng. Các giáo viên đều đã có nhận thức đúng đắn về tác dụng của việc sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học lịch sử. Phương pháp đóng vai cùng với một số phương pháp khác khi vận dụng trong giảng dạy bộ môn sẽ thực hiện yêu cầu đổi mới dạy và học hiện nay. Nhưng thực tế khi tiến hành vào quá trình dạy học đa phần giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học lịch sử. Trong đó nổi bật ở một số nguyên nhân: thói quen sử dụng phương pháp truyền thống, tâm lý ngại thay đổi do đòi hỏi công sức và thời gian đầu tư cũng như thái độ, nhận thức của học sinh đối với môn lịch sử hiện nay tác động rất lớn đến quyết định của thầy cô giáo khi vận dụng phương pháp đóng vai cho bài học. Tuy nhiên, nếu giáo viên vận dụng phương pháp đóng vai một cách linh hoạt, sáng tạo và hợp lý sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện không chỉ về nhận thức mà còn về kĩ năng, thái độ. Hòa Bình, ngày 10 tháng 11 năm 2018 Giáo viên thực hiện Nguyễn Hồng Thư Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt.NXB Đà Nẵng.2008. PhanTrọng Ngọ. Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. NXB. ĐHSP, HN, 2005. Trần Thị Tuyết Oanh ( chủ biên). Giáo trình giáo dục học. NXB. ĐHSP, HN,2005. Phạm Văn Đồng, Về vấn đề giáo dục- đào tạo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,1999. TÀI LIỆU THAM KHẢO Phạm Văn Đồng, Về vấn đề giáo dục- đào tạo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,1999. PhanTrọng Ngọ. Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. NXB. ĐHSP, HN, 2005. Trần Thị Tuyết Oanh ( chủ biên). Giáo trình giáo dục học. NXB. ĐHSP, HN,2005. Phan Ngọc Liên, Phương pháp dạy học lịch sử. NXB ĐHSP, HN, 2012. Nguyễn Thị Minh Phượng, Cẩm nang phương pháp sư phạm,NXB tổng hợp Tp. HCM, 2012.
Tài liệu đính kèm:
- sang_kien_kinh_nghiem_van_dung_phuong_phap_dong_vai_trong_da.doc