Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh yếu kém viết mở bài trong bài văn nghị luận

Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh yếu kém viết mở bài trong bài văn nghị luận

Là giáo viên chắc hẳn ai cũng mong muốn mình dạy cho học sinh nắm vững được kiến thức và học sinh có niềm đam mê với môn học mình dạy

Trong quá trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn, đặc biệt là môn Làm văn, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp học sinh yếu kém rèn kĩ năng viết mở bài bài văn nghị luận cho bởi khi viết bài văn nghị luận, để có được sự hoàn chỉnh thì bài văn đó phải chuyển tải trọn vẹn vấn đề và có sức hấp dẫn người đọc. Muốn có được sức hấp dẫn này thì phần mở bài có một vai trò hết sức quan trọng. Mở bài của một bài văn nghị luận tuy chỉ viết ngắn gọn nhưng lại rất quan trọng vì nó có nhiệm vụ nêu vấn đề. Bài viết có đi đúng hướng hay không đôi khi chỉ cần đọc mở bài cũng có thể biết được. Phần mở bài đuợc ví như lời chào đầu tiên trong buổi đầu gặp gỡ. Một phần mở bài hay sẽ chiếm được tình cảm của người đọc, sẽ tạo được bầu không khí tâm lí thuận lợi cho việc tiếp xúc, triển khai các phần sau. Nhưng điều này thì hầu như các em học sinh yếu kém đều chưa thực hiện được.

 

doc 13 trang thuychi01 7840
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh yếu kém viết mở bài trong bài văn nghị luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIÚP HỌC SINH YẾU KÉM VIẾT MỞ BÀI TRONG BÀI
VĂN NGHỊ LUẬN
	 -----------------------
1. Mở đầu
1.1. Lí do chọn đề tài 
Là giáo viên chắc hẳn ai cũng mong muốn mình dạy cho học sinh nắm vững được kiến thức và học sinh có niềm đam mê với môn học mình dạy
Trong quá trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn, đặc biệt là môn Làm văn, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp học sinh yếu kém rèn kĩ năng viết mở bài bài văn nghị luận cho bởi khi viết bài văn nghị luận, để có được sự hoàn chỉnh thì bài văn đó phải chuyển tải trọn vẹn vấn đề và có sức hấp dẫn người đọc. Muốn có được sức hấp dẫn này thì phần mở bài có một vai trò hết sức quan trọng. Mở bài của một bài văn nghị luận tuy chỉ viết ngắn gọn nhưng lại rất quan trọng vì nó có nhiệm vụ nêu vấn đề. Bài viết có đi đúng hướng hay không đôi khi chỉ cần đọc mở bài cũng có thể biết được. Phần mở bài đuợc ví như lời chào đầu tiên trong buổi đầu gặp gỡ. Một phần mở bài hay sẽ chiếm được tình cảm của người đọc, sẽ tạo được bầu không khí tâm lí thuận lợi cho việc tiếp xúc, triển khai các phần sau. Nhưng điều này thì hầu như các em học sinh yếu kém đều chưa thực hiện được. 
Chính vì thế hướng dẫn học sinh viết phần mở bài là rất cần thiết. Thấy được tầm quan trọng đó tôi quyết định chọn đề tài“Giúp học sinh yếu kém viết mở bài trong bài văn nghị luận” để nghiên cứu, với hi vọng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc rèn luyện kĩ năng mở bài cho học sinh THPT (đối tượng học sinh yếu - kém)
1.2. Mục đích nghiên cứu
Trong việc nghiên cứu chương trình SGK, tôi nhận thấy thời gian để học sinh rèn luyện viết đoạn văn mở bài còn ít so với vai trò của đoạn, với khả năng của học sinh.
Trong thực tế hoạt động dạy và học, với tinh thần đổi mới phương pháp dạy học của Bộ giáo dục - Đào tạo là phát huy tính tích cực chủ động của học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, tôi nhận thấy rằng : để phát huy tính tích cực chủ động của học sinh thì một vài bài tập trong sách giáo khoa là chưa đủ.
 Từ nhận thức ấy, trong quá trình dạy bài Làm văn “Rèn luỵên kĩ năng mở bài, kết bài trong văn nghị luận”, tôi đã cố gắng tìm hiểu làm thế nào để giúp các em học sinh yếu, kém thoát khỏi tình trạng lúng túng khi bắt đầu viết một bài văn nghị luận. Nếu giải quyết được vấn đề này thì các em sẽ vững vàng chủ động hơn khi bước vào những kì thi quan trọng của chương trình THPT.
Qua quá trình giảng dạy, tôi đã nghiên cứu và áp dụng một số dạng bài tập rèn luyện kĩ năng viết phần mở bài trong bài văn nghị luận ở mức độ cao hơn bậc THCS cho học sinh lớp 12 (đối tượng yếu - kém).
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Học sinh lớp 12 trường PT Nguyễn Mộng Tuân năm học 2016- 2017 và 2017-2018
Một số bài viết của học sinh lớp 12 về văn nghị luận năm học 2016- 2017 và 2017-2018
1.4. Phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp nghiên cứu lí thuyết 
- Phương pháp thống kê – phân loại
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
 	- Phương pháp so sánh – đối chiếu
* Phương pháp nghiên cứu thực tiễn 
- Phương pháp điều tra – phỏng vấn 
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm 
* Các phương pháp khác
Nghiên cứu tài liệu nghiệp vụ dạy học môn ngữ văn lớp 10; sách giáo khoa,; sách giáo viên; ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí giáo dục, quản lí chuyên môn; các giáo viên giỏi trong toàn quốc trên các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học
1.5. Những điểm mới của sáng kiến kinh nghiệm	
Trong quá trình tiến hành áp dụng rèn luyện kĩ năng viết mở bài trong bài văn nghị luận (đặc biệt là kĩ năng viết mở bài gián tiếp) cho học sinh đối tượng yếu - kém bằng những bài tập đã nêu, tôi nhận thấy có sự tiến bộ đáng kể. Từ chỗ các em còn khó khăn lúng túng mất nhiều thời gian viết phần mở bài thì nay các em đã viết nhanh hơn, đúng hơn. 
.Ví dụ trong tiết dạy “Rèn luyện kĩ năng Mở bài, Kết bài trong bài văn nghị luận” của chương trình chuẩn Ngữ Văn 12, tôi đã yêu cầu học sinh chọn và viết đoạn mở bài cho một số đề bài sau (thời gian từ 5->7 phút)
 	Đề bài : Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh 
	Khi giao bài tập này, tôi nhận thấy một số học sinh vốn trước đây còn chưa nắm được cách mở bài hay viết phần mở bài còn lúng túng thì nay viết được đoạn mở bài tương đối hiệu quả : 
Mở bài 
Đề tài tình yêu luôn thu hút đuợc nhiều thi nhân. Tất cả là để tìm câu trả lời cho tình yêu là gì và tình yêu bắt đầu từ đâu. Với Xuân Diệu thì Làm sao định nghĩa được tình yêu.. Còn Xuân Quỳnh đến với thơ là để bày tỏ niềm khao khát một tình yêu lí tưởng, lại vừa hướng tới một hạnh phúc đời thường giản dị và thiết thực. Hình tượng Sóng trong bài thơ đã thể hiện sinh động và hấp dẫn tâm trạng của người con gái đang yêu, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
	 (Lê Văn Thông lớp 12A4 – HS yếu)
-> Đây là cách mở bài gián tiếp: Dẫn dắt vấn đề kèm theo sự đánh giá của người viết
Kết quả kiểm tra bài làm văn số 5 và số 6 của lớp 12A2
Thời gian
Tỉ lệ
Dưới TB
TB
Khá
Khi chưa chú trọng
40%
47%
13%
Khi đã chú trọng
20%
53%
27%
2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến
Trong quá trình giảng dạy và theo dõi cách viết bài văn nghị luận của các em học sinh, một điều dễ nhận thấy ở đối tượng học sinh yếu kém là phần viết mở bài của các em chưa đạt yêu cầu. Và khi giảng dạy bài Làm văn “Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận” (tiết 78, chương trình lớp 12) tôi đã phát phiếu thăm dò và lấy ý kiến học sinh của hai lớp khác nhau (đối tượng yếu, kém) về vấn đề : Khi viết bài văn nghị luận, phần nào các em thấy khó viết nhất? Kết quả thu được là:
Phần
Lớp
Mở bài
Thân bài
Kết bài
12A2
60%
30%
10%
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
Qua quá trình điều tra, khảo sát chúng tôi thấy : 
Về phía giáo viên : một số giáo viên có phương pháp giảng dạy chưa thực sự phù hợp với một bộ phận không nhỏ học sinh yếu kém dẫn đến chất lượng chưa cao. Do điều kiện khách quan nên việc sử dụng đồ dùng dạy học, phương pháp trực quan vào tiết học hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu bài của học sinh. Một số giáo viên chưa thực sự tâm huyết với nghề, chưa khơi gợi được mạch nguồn cảm xúc ẩn sau mỗi trái tim người học. Nhiều giáo viên còn rất ngại khi rèn các kĩ năng viết bài cho học sinh hoặc khi trả bài chỉ nhận xét qua loa, không giúp một cách tận tình để các em có thể viết tốt các bài văn sau đó. 
Đối với học sinh : Một số học sinh vì lười học, chán học nên không chuẩn bị tốt tâm thế cho giờ học Ngữ văn. Vì trường nằm trên địa bàn có nhiều tụ điểm vui chơi như công viên, hồ bơi, siêu thị, các quán điện tửnên nhiều học sinh bị thu hút vào các trò chơi mà sao nhãng việc học hành. Đời sống văn hóa tinh thần ngày một nâng cao, một số nhu cầu giải trí như xem ti vi, chơi gamengày càng nhiều làm cho một số em chưa có ý thức học bị lôi cuốn, sao nhãng việc học.
 Một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế khó khăn nên các em phải phụ giúp gia đình ngoài giờ lên lớp, thời gian học không nhiều. Một số học sinh có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, người ở với mẹ, người ở với bố, có học sinh ở với ông bà, nên sự quan tâm của gia đình cho việc học của các em chưa đều, chưa cao. Ngay khả năng diễn đạt bằng lời nói các em cũng không được gia đình luyện rèn. Nhiều học sinh lười hoặc không bao giờ đọc sách, kể cả văn bản trong SGK, có một số học sinh rất lười đọc thuộc thơ. Từ những thực trạng trên, tôi đã xây dựng được một số giải pháp để thúc đẩy tốt hơn việc giúp học sinh viết tốt bài tập làm văn.
2.3. Các sáng kiến kinh nghiệm hoặc các giải pháp đã sử dụng để giải quyết vấn đề
2.3.1. Cung cấp lý thuyết về phần mở bài cho học sinh
Khái niệm 
Mở bài là giới thiệu vấn đề được nêu lên trong bài để thông báo với người đọc, người nghe biết vấn đề mình sẽ đưa ra giải quyết ở phần sau đó là gì.
Nguyên tắc mở bài
- Phần mở bài cần nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Nếu đề bài yêu cầu nghị luận một ý kiến nào đó thì cần trích dẫn nguyên văn ý kiến đó.
- Phần mở bài chỉ nên nêu những ý khái quát; không được lấn sân sang phần thân bài.
. Cách mở bài “ 
Có nhiều cách mở bài. Tùy khả năng mà các em có thể chọn một trong những cách sau đây:
* Mở bài trực tiếp: giới thiệu ngay vấn đề cần nghị luận.
-Ưu điểm
+ Đi thẳng ngay vào bài nên tránh được sự lan man, xa đề hoặc lạc đề.
+ Dễ vận dụng đối với các học sinh có kỹ năng lập luận yếu.
+Tiết kiệm được thời gian suy nghĩ cho người viết.
- Nhược điểm: ít tạo được không khí lôi cuốn cho người đọc.
* Mở bài gián tiếp: nêu lên những ý kiến liên quan đến những vấn đề cần nghị luận để dẫn dắt tới vấn đề cần nghị luận. Mở bài gián tiếp có các cách:
- Diễn dịch: mở bài theo kiểu diễn dịch nêu lên những ý khái quát hơn vấn đề dặt ra trong bài rồi mới dẫn dắt tới vấn đề cần nghị luận.
- Quy nạp: mở bài theo kiểu quy nạp tức là nêu lên những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong bài rồi mới tổng hợp lại vấn đề cần nghị luận.
- Tương liên: mở bài theo tương liên tức là nêu lên một ý giống như trong bài rồi mới bắt sang vấn đề  cần nghị luận. ý được nêu ra trước thường là tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những chân lí phổ biến, những sự kiện nổi tiếng.
- Đối lập: mở bài theo đối lập là nêu lên một ý trái ngược với vấn đề nghị luận để làm cớ để chuyển sang vấn đề cần nghị luận.
* Có thể rút ra công thức viết mở bài như sau :
Luận điểm 1
Luận điểm 2
Luận điểm 3
Dẫn dắt vấn đề
Nêu tác giả, tác phẩm
Nêu vấn đề nghị luận
(* Lưu ý : Không phải bất cứ mở bài nào cũng áp dụng công thức trên)
2.3.2. Cung cấp hệ thống bài tập để rèn luyện kĩ năng mở bài trong bài văn nghị luận
Cách thực hiện
Trên thực tế, trong phân phối chương trình Ngữ Văn lớp 12 (chuẩn) thì chỉ có thời gian là 01 tiết dành cho bài “Rèn luyện kĩ năng mở bài, Kết bài trong văn nghị luận”. Chính vì vậy, trong các tiết học môn Làm văn (nếu có thể) thì tôi đã cố gắng xen vào từng dạng bài tập viết mở bài. Mặt khác, trong những tiết trả bài làm văn, tôi cũng tranh thủ đưa thêm các bài tập chữa lỗi mà học sinh hay mắc phải để rút kinh nghiệm. Từ đó hướng các em đến cách mở bài vừa đúng vừa gây được ấn tượng với người đọc.
Bên cạnh đó chúng ta thấy rằng số lượng tác phẩm thơ, truyện ngắn mà học sinh được học trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 là khá nhiều nên sau khi học xong một tác phẩm, tôi cũng cố gắng hướng học sinh rèn luỵên cách giới thiệu về tác phẩm vừa học, để từ đó các em có điều kiện rèn luyện thêm kĩ năng viết phần mở bài cho bài văn nghị luận về tác phẩm ấy.
Cùng với các việc làm trên, tôi còn giao bài tập về nhà cho các em, sau đó thu chấm và rút kinh nghiệm với từng đối tượng học sinh. Với đối tượng học sinh yếu – kém thì tôi không đòi hỏi khả năng diễn đạt hay mà chú ý hơn đến cách viết đúng, mạch lạc, rõ ràng. Cố gắng chấm và phát hiện những điểm sáng tạo của các em để có sự động viên kịp thời.
Các dạng bài tập
* Dạng 1 : Bài tập nhận diện phần mở bài 
Để giải quyết dạng bài tập này, tôi chuẩn bị phiếu học tập và phát cho học 
sinh. Về phía học sinh cần phải nắm chắc kĩ năng mở bài. Khi nhận được phiếu học tập có thể giải quyết nhanh bài tập nhận diện phần mở bài.
	Bài tập: Đọc ba đoạn văn sau đây và xác định đoạn văn nào có chức năng mở bài?
- Đoạn 1 
 	Chữ người tử tù là truyện ngắn rút từ tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (1940). Đây là truyện ngắn có nội dung tư tưởng sâu sắc và có nhiều thành công về các phương diện nghệ thuật. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm bộc lộ tập trung trong hình tượng nhân vật Huấn Cao.
- Đoạn 2 
Trong truyện "Chữ người tử tù", khái niệm "thiên lương" được Nguyễn Tuân sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với quản ngục và thơ lại, thì "thiên lương" là tấm lòng yêu quý cái tài, cái đẹp rất chân thành của họ. Với Huấn Cao, thì "thiên lương" lại là ý thức của ông trong việc sử dụng cái tài của mình.
- Đoạn 3
Trong cuộc sống cũng như trong văn học, có không ít những nhân vật tài cao khiến ta phải nghiêng mình thán phục. Lại có những người được ngưỡng mộ vì vẻ đẹp ngời sáng của tâm hồn. Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử từ” của Nguyễn Tuân là một hình tượng đẹp theo cả hai nghĩa: đẹp ở sự tài hoa và đẹp ở nhân cách cứng cỏi, cao thượng.
 Yêu cầu học sinh căn cứ vào phần lý thuyết đã học về mở bài để nhận diện các đoạn văn
- Đoạn 1: là phần mở bài trực tiếp
- Đoạn 2 : là phân tích về nhân vật Huấn Cao (thuộc phần thân bài)
- Đoạn 3 là phần mở bài gián tiếp (theo cách tương liên - nêu lên một ý kiến giống như trong đề, rồi bắt sang vấn đề cần nghị luận)
* Dạng 2 : Bài tập chữa lỗi để hoàn chỉnh kĩ năng mở bài
	Bài tập 1 : Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truỵên ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
	Với đề bài trên, có một em học sinh đã viết phần mở bài như sau : Nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn khắc hoạ rất sinh động , tinh tế , là một người mẹ nghèo khổ , trải đời , giàu tình yêu thương và có nội tâm phong phú , phức tạp .
Yêu cầu với bài tập 1 : Căn cứ vào cấu tạo của phần mở bài, em hãy nhận xét cách mở bài nêu trên?
 => Hướng dẫn để học sinh nhận thấy được đây là phần mở bài chưa hoàn chỉnh.Vì chưa nêu được giới hạn của vấn đề nghị luận đó là tác giả nào? Tác
phẩm nào? Đọc phần mở bài như vậy người đọc sẽ băn khoăn không biết được nhân vật bà cụ Tứ ở đây là nhân vật trong tác phẩm nào, của tác giả nào.Vì trong văn học có nhiều tác giả trùng tên và nhân vật trùng tên. Vây cần bổ sung phàn mở bài trên như sau : “Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê , lam lũ hồn hậu , chất phác mà giàu tình yêu thương . Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông . Tác phẩm đã khắc hoạ tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 đồng thời khẳng định , ca ngợi tình yêu thương , đùm bọc , khát khao hạnh phúc , hướng đến tương lai của những người dân lao động . Trong đó nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn khắc hoạ rất sinh động , tinh tế , là một người mẹ nghèo khổ , trải đời , giàu tình yêu thương và có nội tâm phong phú , phức tạp .
	Bài tập 2 : Cũng với đề bài ở bài tập 1, có em học sinh lại có cách viết mở bài như sau: Suốt một đời cầm bút, Kim Lân chỉ để lại vẻn vẹn có 2 tập truyện ngắn là “Con chó xấu xí” và “Nên vợ nên chồng”. Nhưng trong văn chương, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nên chỉ riêng truyện ngắn “Vợ nhặt” đã là niềm ao ước của nhiều người cầm bút.
=> Hướng dẫn để học sinh nhận ra vấn đề nghị luận chưa được nêu trong đoạn bài trên. Đây là một phần quan trọng, nếu thiếu thì phần mở bài sẽ không đạt yêu cầu. Cần phải bổ sung như sau : Suốt một đời cầm bút, Kim Lân chỉ để lại vẻn vẹn có 2 tập truyện ngắn là “Con chó xấu xí” và “Nên vợ nên chồng”. Nhưng trong văn chương, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nên chỉ riêng truyện ngắn “Vợ nhặt” đã là niềm ao ước của nhiều người cầm bút.
Ở thiên truyện này, diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn khắc họa vô cùng tinh tế và giàu ý nghĩa.
	(Bài chữa của học sinh)
Qua hai bài tập trên, học sinh nắm chắc được lý thuyết về cấu tạo của phần mở bài. Bắt buộc phải giới thiệu tác giả, tác phẩm (giới hạn phạm vi kiến thức) và vấn đề nghị luận ( vấn đề cơ bản định hướng cho phần thân bài). Nếu thếu đi một trong hai phần này thì sẽ không thể có một phần mở bài đạt yêu cầu.
* Dạng 3 : Bài tập rèn luỵên kĩ năng viết mở bài gián tiếp
Cho đề bài : Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
 Hãy viết mở bài cho đề bài trên theo hai cách trực tiếp và gián tiếp
- Yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết về cấu tạo phần mở bài để viết phần mở bài trực tiếp.
- Khi viết phần mở bài theo cách gián tiếp, học sinh cần chọn một cách viết cụ thể. Ví dụ giới thiệu khái quát về cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp đến tác phẩm mà đề bài yêu cầu. Có thể viết như sau :
	Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sư mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc những hình ảnh người con anh hùng của đất nước ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kì lịch sử. Trong bài thơ “Tây Tiến ” của Quang Dũng cũng đã dựng lên một tượng đài bất tử như vây về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những năm tháng gian khổ ấy bất tử với cùng thời gian.
	 (Bài làm của học sinh khá)
Tôi nhận thấy rằng dạng mở bài này là khó với đối tượng học sinh yếu- kém Nhưng với hi vọng là các em sẽ yêu thích môn Văn hơn, sẽ khám phá thêm ở môn Văn những điều hay và từ đó sẽ có cách học Văn phù hợp nên tôi cũng mạnh dạn đưa thêm dạng bài tập này. Qua đó học sinh không chỉ làm quen và biết kĩ năng hai kiểu mở bài trực tiếp và gián tiếp mà còn nhận thấy sự khác nhau cơ bản của hai cách mở bài ấy trong quá trình dẫn dắt vấn đề.Còn phần giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận là bắt buộc phải có trong phần mở bài của bài văn nghị luận văn học. Từ đây các em sẽ có định hướng rõ hơn, đúng đắn hơn và tự tin hơn khi bắt tay viết một bài văn nghị luận.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường
Sau nhiều năm vận dụng những giải pháp trên trong việc giảng dạy Tập làm văn nói chung và hướng dẫn cách viết mở bài nói riêng cho thấy những giải pháp trên đã phần nào giúp các em viết mở bài trọn vẹn về ở nội dung và hoàn chỉnh về hình thức hơn, kiến thức và kĩ năng làm bài của học sinh dần dần được phát triển và nâng cao hơn. Đối với các em học sinh, các em đã ý thức được tầm quan trọng của môn văn, biết cách diễn đạt một bài Tập làm văn hoàn chỉnh, chặt chẽ, mạch lạc và bộc lộ tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc của mình đúng cách, đúng nơi, đúng lúc. Số lượng học sinh có kĩ năng viết mở bài tốt khá nhiều. Học sinh hiểu rộng hơn nữa về kiến thức mà từ đó có thể cải thiện chất lượng học tập của học sinh yếu kém và nâng cao kết quả học sinh khá giỏi một cách rõ rệt.
 Đa số bài làm của các em đều đáp ứng được yêu cầu của đề; khai thác được ý hay, ý sâu sắc; phân tích lập luận tinh tế, có cảm xúc, biết tìm tòi và sáng tạo mang phong cách riêng, không còn gượng ép, máy móc hay khuôn sáo.
	Rất ít bài làm sơ lược, ý nghèo nàn hoặc không tìm được ý.
Theo dõi tỷ lệ HS viết mở bài trong hai năm ( 2016 - 2017; 2017 – 2018 ), tôi đã thống kê được chất lượng như sau :
NĂM HỌC
TỶ LỆ TB
2016 - 2017
92 %
2017 - 2018
98 %
3. Kết luận, kiến nghị
3.1. Kết luận
Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ của tôi đã vận dụng có kết quả trong một phạm vi hẹp. Có thể những điều này không là những điều mới mẻ với các đồng nghiệp có bề dày kinh nghiệm nhưng với tôi đó là tất cả sự tâm đắc sau những năm công tác giảng dạy ở trường THPT.Và những điều tôi thực hiện trên đây cũng chỉ là một việc nhỏ góp phần nâng cao chất lượng làm bài văn nghị luận cho học sinh THPT đối tượng học sinh yếu kém. Rất mong được sự đóng góp chân thành của các đồng nghiệp.
3.2. Kiến nghị
Là người trực tiếp giảng dạy nên kết quả học tập của học sinh là vấn đề mà mỗi giáo viên đều quan tâm. Tôi luôn cố gắng tìm ra phương pháp dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh với mong muốn học sinh ngày càng yêu thích môn Ngữ văn. Nếu có điều kiện, tôi cũng mong muốn được áp dụng và phổ biến cách làm này trong các khối lớp để có thể từng bước nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Xin chân thành cảm ơn./
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Đông Sơn ngày 06 tháng 04 năm 2018	 Tôi xin cam doan đây là SKKN của mình, 
 không sao chép nội dung của người khác
 Người viết
 Trần Thị Xuân Hồng

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_giup_hoc_sinh_yeu_kem_viet_mo_bai_tron.doc