SKKN Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước

SKKN Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước

Tạo lập văn bản (thuật ngữ mới gọi là sản sinh văn bản) được đưa vào chương trình dạy học ngay từ bậc tiểu học ở phân môn Tập làm văn của môn Văn - Tiếng Việt. Lên bậc THCS, các em được học ở phần Tập làm văn của môn Ngữ văn. Tuy nhiên, do đặc điểm của chương trình mang tính tích hợp mà phần Tập làm văn mang tính thực hành - tổng hợp. Ở trường THCS, kĩ năng hình thành văn bản được luyện tập qua nhiều nội dung của môn Ngữ văn và ở nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau.

 Để hình thành được một văn bản, người tạo lập văn bản bao giờ cũng phải chú ý một trong những tính chất quan trọng nhất của văn bản là liên kết. Xét ở bình diện liên kết hình thức, chương trình Ngữ văn THCS tập trung vào các phép liên kết dễ nhận biết và được sử dụng nhiều đó là: phép lặp từ ngữ; phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng; phép thế; phép nối.

 Từ thực tế dạy học phần Tập làm văn ở THCS, bản thân tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm về cách thức xây dựng các bài tập rèn luyện kỹ năng liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh, để từ đó học sinh có kĩ năng thuần thục hơn trong việc tạo lập văn bản. Đây là lý do tôi chọn vấn đề: “ Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước”.

 

doc 17 trang thuychi01 14250
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. PHẦN MỞ ĐẦU
1.1 Lí do chọn đề tài
Tạo lập văn bản (thuật ngữ mới gọi là sản sinh văn bản) được đưa vào chương trình dạy học ngay từ bậc tiểu học ở phân môn Tập làm văn của môn Văn - Tiếng Việt. Lên bậc THCS, các em được học ở phần Tập làm văn của môn Ngữ văn. Tuy nhiên, do đặc điểm của chương trình mang tính tích hợp mà phần Tập làm văn mang tính thực hành - tổng hợp. Ở trường THCS, kĩ năng hình thành văn bản được luyện tập qua nhiều nội dung của môn Ngữ văn và ở nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau.
	Để hình thành được một văn bản, người tạo lập văn bản bao giờ cũng phải chú ý một trong những tính chất quan trọng nhất của văn bản là liên kết. Xét ở bình diện liên kết hình thức, chương trình Ngữ văn THCS tập trung vào các phép liên kết dễ nhận biết và được sử dụng nhiều đó là: phép lặp từ ngữ; phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng; phép thế; phép nối.
	Từ thực tế dạy học phần Tập làm văn ở THCS, bản thân tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm về cách thức xây dựng các bài tập rèn luyện kỹ năng liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh, để từ đó học sinh có kĩ năng thuần thục hơn trong việc tạo lập văn bản. Đây là lý do tôi chọn vấn đề: “ Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước”.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực trạng Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng huyện Bá Thước
1.3 Đối tượng nghiên cứu
 Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh lớp 9 Trường THCS Cổ Lũng huyện Bá Thước
1.4 Phương pháp nghiên cứu
1.4.1 Phương pháp quan sát:
- Quan sát là việc con người sử dụng các giác quan để thu thập dữ liệu, số liệu.
1.4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
1.4.3. Phương pháp tích cực:
Là phương pháp hướng tới việc học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. Thực chất của phương pháp tích cực đòi hỏi người dạy phải phát huy tính tích cực chủ động của người học.
1.4.4. Phương pháp tích hợp:
- Tích hợp nhiều kĩ năng trong một môn học.
- Tích hợp chương trình chính khoá và ngoại khoá.
- Tích hợp giữa kiến thức và thực tiễn.
1.4.5. Phương pháp thực hành tổng hợp, vận dụng kiến thức tiếng việt, tập làm văn, đọc hiểu văn bản trong tạo lập văn bản.
2. Nội dung
2.1 Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm
Mục tiêu của cấp học nói chung và của môn Ngữ văn nói riêng là rèn luyện cho học sinh bốn kĩ năng nghe – nói – đọc – viết, trong đó môn Ngữ văn cần hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp học sinh sáng tạo văn bản (sản sinh văn bản). Chúng ta đã biết, văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, nó là một thể thống nhất có tính chất trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức. Một văn bản nói chung thường gồm nhiều đoạn văn và một đoạn văn thường gồm nhiều câu. Mỗi câu trong văn bản phải có quan hệ ý nghĩa với các câu đứng gần nó hay xa nó, hoặc quan hệ với toàn văn bản. Sự liên kết câu chính là quan hệ có mạch lạc giữa các câu trong văn bản.
Các câu muốn liên kết với nhau thì nội dung của chúng phải cùng hướng về sự việc chung, chủ đề cần nói đến.
Việc nối kết các câu trong đoạn văn cũng như các đoạn văn trong văn bản được thực hiện bằng những từ, những tổ hợp từ dùng để liên kết (gọi là phương tiện liên kết). Cách sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết câu gọi là phương thức liên kết (phép liên kết). Các phép liên kết câu (phép lặp từ ngữ, phép thế, phép nối, phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng) có tác dụng làm cho ý của cả đoạn hoặc của cả văn bản hướng vào việc thể hiện chủ đề, không xa rời đề tài, tạo thêm cho câu văn những sắc thái kèm theo rất da dạng, phong phú và tinh tế.
Để rèn luyện kĩ năng liên kết câu, liên kết đoạn văn cũng như có kĩ năng thuần thục hơn trong việc tạo lập văn bản, người viết cần nắm được những điểm cơ bản đó.
2.2 Thực trạng của vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
2.2.1. Thực trạng của công tác dạy học tạo lập văn bản cho học sinh THCS.
-Về phía học sinh: phần đa HS rất yếu trong kĩ năng tạo lập văn bản: hành văn lẫn lộn, dùng từ tối nghĩa, câu văn thiếu ý, bố cục chưa rõ ràng, đặc biệt còn nhiều học sinh mắc lỗi trong quá trình tạo lập văn bản. Bên cạnh một số ít học sinh tạo lập được những văn bản hay (trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức) thì vẫn còn nhiều em chưa chú ý đến tính liên kết của văn bản. Cụ thể: nội dung của các câu, các đoạn chưa thống nhất và gắn bó chặt chẽ; chưa biết nối kết các câu, các đoạn trong văn bản bằng những phương tiện ngôn ngữ (từ, câu...) thích hợp.
-Về phía giáo viên: thực tế còn nhiều giáo viên chưa thực sự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy. Khi chấm trả bài cho học sinh còn chưa chu đáo, chưa chỉ ra lỗi liên kết cụ thể và cách sửa chữa. Tính tích hợp giữa các phân môn trong giảng dạy Ngữ văn chưa cao.
- Về phía bản thân: nhận thấy tầm quan trọng của dạng bài tập rèn luyện kỹ năng liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh trong quá trình tạo lập văn bản, ở các năm học trước tôi đã có tiến hành nghiên cứu, thực hiện sáng kiến này và đã thu được kết quả nhất định. Song cũng xuất phát từ thực tế: năm học 2015-2016 tôi được phân công dạy 2 lớp đại trà của khối 9, các kĩ năng tạo lập văn bản nói chung của các em còn rất yếu. 
Xuất phát từ thực trạng chung như vậy, tôi nhận thấy cần giúp đỡ học sinh trong việc rèn luyện kỹ năng liên kết câu, liên kết đoạn văn để từ đó các em có kỹ năng thuần thục hơn trong việc tạo lập văn bản. Đồng thời cũng góp phần giúp đỡ đồng nghiệp kinh nghiệm rèn luyện cho học sinh kĩ năng tạo lập văn bản.
2.2.2 Thực trạng của việc tạo lập văn bản của học sinh trường THCS Cổ Lũng
Từ thực trạng trên, ngay từ đầu năm học, tôi đã tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm và kiểm tra ngắn ở 2 lớp 9A và 9B trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước, kết quả cụ thể như sau:
* Qua khảo sát chất lượng năm học: 2015 – 2016, Tổng số học sinh: 55 em
Điểm
Dưới 5
5 – 6,5
7 – 8,5
9 - 10
Số học sinh
24
29
1
0
Tỉ lệ (%)
43,6
52,8
3,6
0
 Như vậy, kết quả học sinh khá, giỏi đạt: 3,6 %
 Trung bình: 52,8 %
 Yếu: 43,6 %
* Qua kiểm tra ngắn với đề bài:
 Tìm các phương tiện liên kết hình thức trong phần trích sau:
	Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.
 (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ )
 (Đáp án: Các phương tiện liên kết hình thức trong đoạn trích như sau:
Phép lặp từ ngữ: tác phẩm (câu 1-3)
Phép liên tưởng: nghệ thuật (câu 1) – nghệ sĩ (câu 2) – tác phẩm(câu 3)
Phép nối: nhưng (câu 1- 2)
Phép thế: nghệ sĩ (câu 2) – anh (câu 3) )
 Kết quả thu được như sau: 
 (Tổng số: 55 học sinh, cho điểm theo thang điểm 10)
Điểm
Dưới 5
5 – 6,5
7 – 8,5
9 - 10
Số học sinh
23
28
4
0
Tỉ lệ (%)
41,8
50,9
7,3
0,0
 Từ kết quả trên cho thấy kết quả học tập bộ môn và khả năng xác định được phương tiện liên kết trong đoạn văn của học sinh là còn thấp. Mà một khi các em chưa nhận diện được phương tiện liên kết hình thức trong văn bản (bên cạnh bình diện liên kết nội dung) thì khó mà vận dụng một cách hiệu quả. Đây là lý do khiến tôi tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và tiến hành sáng kiến “Rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản qua hệ thống bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn cho học sinh Trường THCS Cổ Lũng, huyện Bá Thước”
2. 3. Giải pháp và tổ chức thực hiện
2.3.1 Giải pháp 1: Cung cấp cho học sinh kiến thức lý thuyết liên kết văn bản
Biện pháp 1: Nắm vững kiến thức khái niệm về liên kết câu, liên kết đoạn
- Liên kết là hiện tượng chung của các ngôn ngữ trên thế giới. Tuy nhiên, các phương tiện liên kết cụ thể trong từng ngôn ngữ thì có thể khác nhau hoặc nhiều hoặc ít. Ở đây ta chỉ bàn đến sự liên kết trong tiếng Việt.
- Liên kết là sự nối kết ý nghĩa giữa câu với câu, giữa đoạn văn với đoạn văn bằng các từ ngữ có tác dụng liên kết.
- Để văn bản có tính liên kết, người viết phải làm cho nội dung các câu, các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau; đồng thời phải biết nối kết các câu, các đoạn đó bằng những phương tiện ngôn ngữ (câu, từ...) thích hợp.
 	Biện pháp 2: Giúp học sinh nắm được các bình diện liên kết
 Liên kết xảy ra ở hai bình diện: liên kết nội dung và liên kết hình thức
* Liên kết nội dung: gồm liên kết chủ đề và liên kết lo-gich:
- Liên kết chủ đề đòi hỏi các đoạn văn phải phục vụ cho chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ cho chủ đề chung của đoạn văn.
- Liên kết lo-gich đòi hỏi các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp hợp lí, phù hợp với trình tự triển khai của văn bản.
* Liên kết hình thức: là sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để liên kết các câu, các đoạn. Có những biện pháp liên kết chính như sau:
- Phép lặp từ ngữ: sử dụng lặp đi lặp lại (một số) từ ngữ nào đó ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.
- Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng: sử dụng các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.
- Phép thế: sử dụng các từ ngữ có tác dụng thay thế các từ ngữ đã có ở câu trước để tạo sự liên kết.
- Phép nối: sử dụng các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước để tạo sự liên kết.
Cần chú ý: trong đại bộ phận các trường hợp liên kết, hình thức thể hiện nội dung liên kết.
 Biện pháp 3: Nắm vững về phương tiện liên kết đoạn 
Để liên kết đoạn văn với đoạn văn, ngoài các phương tiện liên kết câu, có thể dùng các phương tiện sau:
* Dùng từ ngữ để liên kết: 
- Từ ngữ chỉ trình tự, phương tiện, sự bổ sung: trước hết, đầu tiên, thứ nhất, thứ hai, tiếp theo, sau nữa, cuối cùng...; một mặt, mặt khác, ngoài ra...; hơn nữa, vả lại, thêm vào đó, một là, hai là...
- Từ ngữ có ý tổng kết, khái quát sự việc, vấn đề: tóm lại, nói tóm lại, tổng kết lại, nói chung, nhìn chung, nói tổng quát...
- Từ ngữ chỉ ý đối lập, tương phản: trái lại, ngược lại, tuy nhiên, tuy vậy, thế mà, nhưng...
- Từ ngữ thay thế: đó, vậy, thế, này, như vậy, do đó...
Ví dụ:
 Văn thơ của Bác là một di sản tinh thần vô giá. Nhiều tác phẩm của Bác thực sự là những công trình nghệ thuật bậc thầy.
 Tuy vậy, chưa bao giờ Bác nghĩ là mình đang làm văn chương.
(“Tuy vậy” có tác dụng liên kết hai đoạn văn)
* Dùng câu nối để liên kết: 
- Đây là loại câu nối ý đoạn văn chứa nó với phần văn bản trước nó (hoặc sau nó). Câu nối có thể là câu trần thuật hoặc câu hỏi trong đó có chứa đựng các phương tiện liên kết khác.
 Ví dụ:
 Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị.
 Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.
(“Đúng lắm” là câu có tác dụng liên kết đoạn văn trên với đoạn văn dưới)
Biện pháp 4: Xác định hướng liên kết đoạn văn và các phương tiện liên kết thường dùng trong từng hướng liên kết.
Có 3 hướng liên kết của đoạn văn:
- Hướng về phần trước của văn bản: 
Theo hướng này, phương tiện liên kết thường dùng các từ ngữ sau: phần trên, ở trên, trên đây, trở lên, như vậy, như thế, đó, vậy...
 Ví dụ:
 (...)
 Như trên đã phân tích, “Chí anh hùng” của Nguyễn Công Trứ có nhiều điểm tích cực, cần phải tiếp thu.
- Hướng về phần sau của văn bản: 
Theo hướng này, phương tiện liên kết thường dùng các từ ngữ sau: sau đây, tiếp theo, tiếp đây, nhưng...
 Ví dụ:
 (...)
 Tiếp theo, chúng ta cần chỉ ra những hạn chế trong Chí anh hùng” của Nguyễn Công Trứ...
- Hướng về cả phần trước và phần sau của văn bản: 
Theo hướng này, trong câu nối liên kết các đoạn văn sẽ vừa có các phương tiện liên kết hướng về phần trước của văn bản vừa có các phương tiện liên kết hướng về phần sau của văn bản.
 Ví dụ: (...)
 Trên đây là sự phân tích giá trị hiện thực của “Truyện Kiều”, dưới đây chúng ta sẽ phân tích giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều” để hiểu thêm tấm lòng nhân ái của Nguyễn Du đối với con người.
 (...)
(Đây là một đoạn văn có tính chất chuyển ý giữa hai (nhiều) đoạn văn: Trên đây có tác dụng thay thế và liên kết với phần trước của văn bản, dưới đây có tác dụng liên kết đoạn văn với phần sau của văn bản.)
2.3.2 Giải pháp 2. Cung cấp cho học sinh hệ thống bài tập về liên kết câu và liên kết đoạn văn
 Từ kiến thức lý thuyết về liên kết câu và liên kết đoạn văn đã cung cấp, tôi hướng dẫn các em luyện tập qua một hệ thống bài tập về liên kết câu và liên kết đoạn văn cụ thể. Căn cứ vào nội dung phần Tập làm văn ở THCS liên quan đến việc tạo lập văn bản (sản sinh văn bản), tôi chia các bài tập liên kết câu thành hai loại:
- Loại bài tập nhận diện: căn cứ vào nội dung cần rèn luyện, có thể chia loại bài tập này thành ba nhóm: nhận diện các phương tiện liên kết, nhận diện phép liên kết, nhận diện công dụng các phép liên kết.
- Loại bài tập vận dụng: căn cứ vào mức độ sáng tạo của người vận dụng, có thể chia loại bài tập này thành hai nhóm: nhóm bài tập cấu trúc sửa chữa và nhóm bài tập viết đoạn văn.
Cụ thể như sau:
2.3.2.1 Hệ thống bài tập nhận diện
Bài tập nhận diện: nhằm củng cố khắc sâu những kiến thức về liên kết câu và liên kết đoạn văn mà học sinh đã được học, yêu cầu học sinh phải dựa vào những nội dung ghi nhớ đã học để nhận ra các đơn vị tri thức về liên kết câu trên các ngữ liệu mà bài tập đưa ra.
 Như đã nói, với loại bài tập nhận diện, tôi chia thành ba nhóm bài tập nhỏ: nhóm thứ nhất – các bài tập vận dụng các phương tiện liên kết; nhóm thứ hai – các bài tập nhận diện các phép liên kết; nhóm thứ ba – các bài tập nhận diện công dụng của các phép liên kết. Trong mỗi nhóm bài tập nói trên, khi cần thiết tôi đều chia thành các dạng cụ thể.
 2.3.2.1.1 Biện pháp 1: Nhóm bài tập nhận diện các phương tiện liên kết:
 Dạng 1: Cho đoạn văn, tìm từ ngữ liên kết.
Đây là bài tập có mức độ thấp nhất. Dữ kiện của bài tập là tập hợp câu liên kết với nhau bởi phương tiện liên kết là các từ ngữ. Lệnh bài tập yêu cầu học sinh phát hiện các từ ngữ liên kết này.
Ví dụ: Gạch chân các từ ngữ liên kết trong đoạn văn:
Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng thu.
 (Nguyễn Thế Hội, Chú chuồn chuồn nước)
( Các câu trong đoạn liên kết với nhau nhờ phép liên tưởng: lưng – cánh – đầu – mắt – thân; Phép lặp: chú (3 lần) )
*Dạng 2: Tìm từ ngữ liên kết thích hợp điền vào chỗ trống
Dạng bài tập này có hai mức độ. Mức độ thứ nhất: dữ kiện bài tập là tập hợp câu liên kết đã lược bỏ các từ ngữ liên kết, cho trước các từ ngữ liên kết. Lệnh của bài tập yêu cầu học sinh lựa chọn từ ngữ liên kết điền vào chỗ trống cho thích hợp.
Ví dụ 1: Chọn từ ngữ thích hợp trong ngoặc đơn ( nhưng, nên, và, do vậy) điền vào ô trống để các câu, các đoạn liên kết với nhau:
 Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.
 (...) Người sống ở đó, một mình, với một tư trang ít ỏi, một chiếc va li con với vài bộ áo quần, vài vật kỉ niệm của cuộc đời dài.
 ( Từ cần chọn: và -> liên kết đoạn)
Còn ở mức độ thứ hai, dữ kiện bài tập là tập hợp câu liên kết đã lược bỏ các từ ngữ liên kết. Lệnh của bài tập yêu cầu học sinh tự tìm từ ngữ liên kết thích hợp để điền và chỗ trống:
Ví dụ 2: Tìm từ ngữ thích hợp với mỗi ô trống để liên kết các câu trong đoạn văn sau:
 Nắng Hà Tĩnh oi và bức bối hơn ở ngoài mình. Sáng sớm, sương mù dày đặc, vào đến gần chân núi rồi mà vẫn còn ẩn trong sương. Ai mới đến (..1..) lần đầu cứ tưởng (..2..) là một cánh đồng xa tắp – Hồ nước chỉ khẽ trắng lên một chút dưới cái vệt đen của núi. (..3..) chỉ thoáng một cái, không hiểu từ bao giờ, (..4..) đã bàng hoàng đến gõ ở sau gáy.
 (Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi)
 ( 1, 2 : đây ; 3: thế mà 4: nắng )
2.3.2.1.2. Biện pháp 2. Nhóm bài tập nhận diện các phép liên kết:
Mục đích của bài tập này giúp học sinh phát hiện ra các phép liên kết trên cơ sở học sinh căn cứ vào các từ ngữ liên kết giữa các câu, các đoạn văn. Lệnh của bài tập là yêu cầu hoặc trực tiếp chỉ ra phép liên kết hoặc thông qua việc lựa chọn phương án trả lời.
Ví dụ 1: Các câu trong đoạn văn sau liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?
Không có gì vui bằng mùa gặt ở làng quê. Thôn trang náo nức, rầm rập, rộn ràng từ mờ sáng đến khuya. Lúa chín vàng rực đầy đồng. Lúa gặt được xếp thành từng bó. Lúa được chở về thôn. Lúa phơi ngoài sân. Lúa chất đầy trong nhà. Một màu vàng ấm no tỏa rộng xóm thôn. Lúa mới tỏa hương ngào ngạt đất trời...
 (Lê Mỹ An – “Thôn xóm vào mùa gặt”)
(Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng phép lặp từ “lúa”)
Ví dụ 2: Các đoạn văn sau liên kết với nhau bằng cách nào? Chỉ rõ hướng liên kết.
	Tôi sống độc lập từ thuở bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ dế chúng tôi.
	Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: “Phải như thế, để các con kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhóng ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu”.
 (Tô Hoài – Văn 6, Tập I)
	(Quan hệ ý nghĩa giữa đoạn văn 1 và đoạn văn 2 là quan hệ bổ sung. “Vả lại” là phương tiện thể hiện quan hệ này, đó là phương tiện liên kết đoạn văn (thuộc phép nối). Hướng liên kết của đoạn 2 là hướng về phần trước của văn bản (đoạn 1 – nói về lối sống độc lập của “tôi” và họ nhà dế).
2.3.2.1.3. Biện pháp 3: . Nhóm bài tập nhận diện công dụng của các phép liên kết, phương tiện liên kết:
Nhóm bài tập này là hệ quả của hai nhóm bài tập trên.
Dữ kiện của bài tập là tập hợp câu liên kết với nhau bằng các phương tiện liên kết theo các phép liên kết. Lệnh của bài tập yêu cầu phát hiện công dụng của các phép liên kết hay các phương tiện liên kết ấy.
Ví dụ 1: Việc lặp lại từ trong các câu sau có ý nghĩa gì?
	Hồ Chí Minh – Người là một nhân cách lớn. Cả cuộc đời Người chỉ biết chăm lo cho nhân dân. Không lúc nào Người không nghĩ đến nhân dân.
 (Lặp từ “Người” nhằm nhấn mạnh đối tượng được ca ngợi: Hồ Chí Minh 
 -> Tỏ lòng cảm phục)
Ví dụ 2: Hai cách diễn đạt của đoạn văn sau, cách nào hay hơn? Vì sao?
+ Cách 1: Tấm lịch nhỏ nhưng công dụng của tấm lịch không nhỏ. Tấm lịch là người bạn thân của mỗi gia đình. Tấm lịch luôn nhắc nhở mọi người đừng để thời gian trôi đi một cách vô ích.
+ Cách 2: Tấm lịch nhỏ nhưng công dụng của nó không nhỏ. Vật dụng ấy là người bạn thân thiết của mỗi gia đình. Nó luôn nhắc nhở mọi người đừng để thời gian trôi đi một cách vô ích.
(Cách 1 dùng phép liên kêt câu là phép lặp qua phương tiện liên kết “tấm lịch”. Cách 2 dùng phép liên kêt câu là phép thế qua phương tiện liên kết là “nó”, “vật dụng ấy” bên cạnh phép lặp từ “nó”. Cách diễn đạt của đoạn văn 2 hay hơn vì sử dụng phép liên kết câu một cách linh hoạt làm cho đoạn văn thanh thoát hơn.)
2.3.2.2. Hệ thống bài tập vận dụng về liên kết câu, liên kết đoạn trong tạo lập văn bản
Bài tập vận dụng: đây là dạng bài tập có vai trò quan trọng trong dạy học liên kết nói chung, dạy học Tiếng Việt và Tập làm văn nói riêng. Trong dạng bài tập vận dụng, tôi cung cấp cho học sinh dạng bài tập liên kết câu và liên kết đoạn văn từ mức độ thấp đến mức độ cao. Trên cơ sở đó giúp học sinh có thể tạo lập văn bản (sản sinh văn bản ) hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức.
Dạng bài tập vận dụng, xét về mức độ có yêu cầu cao hơn bài tập nhận diện. Ở dạng bài tập này, tôi chia thành các nhóm như sau:
 2.3.2.2.1.Biện pháp 1: Nhóm bài tập cấu trúc, sửa chữa:
Nhóm này được chia thành các dạng như sau:
 *Dạng 1: Cho tập hợp câu, thêm từ ngữ liên kết để liên kết câu. Dữ kiện của bài tập là tập hợp câu có liên quan về nghĩa. Lệnh của bài tập yêu cầu thêm từ ngữ để các câu ấy liên kết với nhau theo các phép liên kết đã học.
Ví dụ: Thêm từ ngữ liên kết để cách diễn đạt các câu sau được hay hơn:
	Nó la hét ầm ĩ. Hai tay giơ lên vẫy rối rít. Nó mệt quá, ngồi xuống. Nó lại đứng lên, vỗ tay cười khanh khách.
 (Nó la hét ầm ĩ. Đồng thời hai tay giơ lên vẫy rối rít. Một lát sau nó mệt quá, ngồi xuống. Rồi nó lại đứng lên, vỗ tay cười khanh khách.)

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_ren_luyen_ky_nang_tao_lap_van_ban_qua_he_thong_bai_tap.doc