SKKN Vận dụng phương pháp gợi mở nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ dạy học tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao)

SKKN Vận dụng phương pháp gợi mở nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ dạy học tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao)

Nghị quyết Hội nghị TW2 khóa VIII, Luật giáo dục đã nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục – đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo cho người học”. Trong bài nói chuyện: “Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện”, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng căn dặn giáo viên dạy Văn: “Phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phải xây dựng một phương pháp dạy Văn thích hợp, đem lại những hiệu quả tốt nhất”. Đó là phương châm tìm tòi, sáng tạo của chúng tôi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức giờ lên lớp.

Hiệu quả của một giờ dạy học không phải là học sinh lĩnh hội được bao nhiêu khối lượng kiến thức mà phải là sự phát triển của học sinh về năng lực tư duy, óc sáng tạo, năng lực vận dụng một cách độc lập hiểu biết của mình. Trò phải là chủ thể tự giác, tích cực trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Thầy có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo hoạt động của trò. Muốn làm tốt điều này người dạy luôn phải có sự sáng tạo, đổi mới trong giờ dạy, phải vận dụng phương pháp một cách hợp lí. Một trong những phương pháp chủ công trong giờ dạy tác phẩm văn chương chính là phương pháp gợi mở. Phương pháp này phát huy được trí lực của học sinh, giúp các em tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình thâm nhập, chiếm lĩnh tác phẩm văn chương.

 

doc 15 trang thuychi01 4540
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Vận dụng phương pháp gợi mở nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ dạy học tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
1.Mở đầu
Trang 
1.1.Lí do chọn đề tài
2
1.2.Mục đích nghiên cứu
2
1.3.Đối tượng nghiên cứu
2
1.4.Phương pháp nghiên cứu
3
2.Nội dung của sáng kiến kinh nghiệm
4
2.1.Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm
4
2.2.Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiên kinh nghiệm
5
2.3.Vận dụng phương pháp 
5 
2.4.Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản thân đồng nghiệp và nhà trường
11
3.Kết luận, kiến nghị
12
3.1.Kết luận
12
3.2.Kiến nghị
12
1.Mở đầu
1.1.Lí do chọn đề tài 
Nghị quyết Hội nghị TW2 khóa VIII, Luật giáo dục đã nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục – đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo cho người học”. Trong bài nói chuyện: “Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện”, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng căn dặn giáo viên dạy Văn: “Phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, phải xây dựng một phương pháp dạy Văn thích hợp, đem lại những hiệu quả tốt nhất”. Đó là phương châm tìm tòi, sáng tạo của chúng tôi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức giờ lên lớp.
Hiệu quả của một giờ dạy học không phải là học sinh lĩnh hội được bao nhiêu khối lượng kiến thức mà phải là sự phát triển của học sinh về năng lực tư duy, óc sáng tạo, năng lực vận dụng một cách độc lập hiểu biết của mình. Trò phải là chủ thể tự giác, tích cực trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Thầy có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo hoạt động của trò. Muốn làm tốt điều này người dạy luôn phải có sự sáng tạo, đổi mới trong giờ dạy, phải vận dụng phương pháp một cách hợp lí. Một trong những phương pháp chủ công trong giờ dạy tác phẩm văn chương chính là phương pháp gợi mở. Phương pháp này phát huy được trí lực của học sinh, giúp các em tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình thâm nhập, chiếm lĩnh tác phẩm văn chương. 
1.2.Mục đích nghiên cứu 
Tìm ra phương pháp để phát huy được sự chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp học trò năng động sáng tạo, tích cực. Thôi thúc khát vọng nói, khát vọng trình bày ý kiến riêng của trò.Từ đó rèn khả năng diễn đạt một vấn đề tốt và có sức hấp dẫn, thuyết phục trước tập thể. Đồng thời khắc sâu và tạo độ bền vững của kiến thức trong trí óc các em.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu, tổng kết về việc vận dụng phương pháp gợi mở để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ dạy học tác phẩm Chí Phèo.
1.4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp
-	Nghiên cứu lí luận chung
-	Khảo sát điều tra từ thực tế dạy và học.
-	Tổng hợp so sánh, rút kinh nghiệm
Cách thực hiện:
-	Trao đổi với đồng nghiệp, tham khảo ý kiến giáo viên cùng bộ môn, tham khảo tài liệu liên quan kết hợp với tư duy khoa học của bản thân.
-	Liên hệ thực tế trong nhà trường, áp dụng đúc rút kinh nghiệm qua quá trình giảng dạy
-	Thực nghiệm sư phạm: trực tiếp giảng dạy lớp 11D (2018- 2019) để đối chứng đề tài nghiên cứu.
2.Nội dung của sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm
Gợi mở là một phương pháp có một khả năng riêng biệt mà các phương pháp dạy học khác khó có được. Phương pháp gợi mở trong giảng văn chủ yếu được thông qua hệ thống câu hỏi tạo điều kiện cho hoạt động song phương giữa thầy và trò để từng bước đi vào tác phẩm văn học (còn gọi là đàm thoại). Các câu hỏi được tiến hành từ thấp đến cao. Thầy đặt câu hỏi, gọi học sinh trả lời hoặc tranh luận. Với đàm thoại gợi mở, giáo viên tạo cho lớp học một không khí tự do tư tưởng, tự do bộc lộ những nhận thức trực tiếp của mình. Những tín hiêu phản hồi được báo lại kịp thời trong giờ lên lớp. Không khí thụ động của giờ học được đẩy lùi. Giờ dạy có được không khí tâm tình, trao đổi thân mật về những vấn đề cuộc sống do nhà văn nêu lên. Qua đàm thoại, năng lực tư duy, tìm tòi suy nghĩ, năng lực thẩm mĩ và khả năng giao tiếp được phát huy tích cực. Giúp học sinh phát huy sở trường, bộc lộ những non yếu để thầy làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục trong tiết dạy.
2.2 Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
Thứ nhất: Một thực tế tồn tại trong các giờ dạy văn đó là giáo viên ham kiến thức nên chủ yếu dạy theo kiểu thuyết trình tràn lan, dàn trải những điều giáo viên cảm thụ, suy nghĩ. Học sinh là cái bình chứa để thầy rót kiến thức vào. Chưa có sự tương tác giữa thầy và trò qua hệ thống câu hỏi nêu và giải quyết vấn đề. Hoặc câu hỏi thầy đưa ra mang tính hình thức, chiếu lệ, không tương ứng với phần thuyết giảng. Vì thế chưa thực sự cuốn các em vào quá trình thâm nhập tác phẩm, chưa đòi hỏi và kích thích được sự động não của các em. Dần dần hình thành ở các em một thói quen thụ động, ỳ. Và giờ văn cũng vì thế mà thành nhàm, nhạt.
Thứ hai: do xu hướng của học sinh là theo các khối tự nhiên vốn có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề và có nhiều cơ hội việc làm. Môn Văn không được các em đầu tư, chỉ xem nó là môn học điều kiện.
Vì những lẽ trên, môn Văn vốn là nghệ thuật hướng học sinh tới chân- thiện- mĩ trở thành môn học vô vị, nhàm chán. Giờ học không còn hấp dẫn, diễn ra một cách máy móc, chiếu lệ. Để giờ dạy- học tác phẩm văn chương trở nên sinh động, vai trò của người học được khẳng định và mối liên hệ qua lại thường xuyên giữa thầy và trò được duy trì thì không thể thiếu được hệ thống câu hỏi và cách đặt câu hỏi như thế nào để dẫn dắt các em thâm nhập tác phẩm một cách chủ động, tích cực. Phương pháp gợi mở càng nên vận dụng cho những tác phẩm chứa đựng những vấn đề có ý nghĩa rộng lớn về tư tưởng, nghệ thuật. Đó là lí do chúng tôi vận dụng phương pháp gợi mở vào việc dạy học tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao- Ngữ văn 11, tập 1) bằng hệ thống câu hỏi đàm thoại như sau.
2.3. Vận dụng phương pháp gợi mở nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ dạy học tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) ở lớp 11 THPT
Tác phẩm văn học được ví như một tảng băng trôi 3 phần nổi, 7 phần chìm. Phần nổi là “yếu tố hữu hình” gắn với ngôn ngữ, hình ảnh, nhân vật, chi tiết, sự kiện được trình bày trong tác phẩm mà người học (người đọc) có thể nhìn thấy (dù mới chỉ là cảm tính qua văn bản ngôn từ). Phần nổi là lớp thông tin nội dung sự việc nổi lên trên bề mặt văn bản. Tiếp cận tác phẩm văn chương, đầu tiên phải bước qua lớp thông tin này để đi vào tìm hiểu ý nghĩa chìm trong văn bản.
Phần chìm là “yếu tố vô hình” mà người học buộc phải giải mã phần nổi (hữu hình) mới có thể nhận biết đầy đủ và sâu sắc ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ. Phần chìm là lớp thông tin quan niệm, thông tin tiềm văn bản, nó thông tin về ý đồ nghệ thuật của tác giả ở trong tác phẩm. Là những điều tác giả muốn nói, muốn gửi gắm, muốn độc giả lắng nghe, cảm nhận được. Lớp thông tin này cho ta biết đầy đủ nguyên cớ tác giả viết lên tác phẩm đó và quan điểm, thái độ, tình cảm của tác giả đối với những sự vật, sự việc mô tả trong đó. Tìm ra quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả, nhìn ra cách hình dung về thế giới đặc thù chỉ tác giả mới có.
Để học sinh cảm nhận được chiều sâu của vấn đề, người dạy phải biết gợi mở qua việc thiết lập được một hệ thống câu hỏi phù hợp, mang tính định hướng mục đích, yêu cầu của bài giảng. Hệ thống câu hỏi này phải kích thích được sự suy nghĩ của trò, buộc trò phải động não và giáo viên phải dự kiến những đơn vị kiến thức cơ bản, chuẩn xác, chủ động bổ sung những tranh luận khi có tình huống trong các tiết dạy. 
2.3.1. Đặt câu để tìm hiểu lớp thông tin nội dung sự việc 
Để tìm hiểu lớp thông tin này, giáo viên đặt cho học sinh các câu hỏi mang tính chất tái hiện, phát hiện. Yêu cầu học sinh bám vào văn bản để tìm ra các từ ngữ, các hình ảnh, các chi tiết nói về một vấn đề, một hình tượng nào đó. Loại câu hỏi này ở mức độ dễ dành cho mọi đối tượng học sinh. Bởi nó hướng vào những nội dung có sẵn, chỉ cần các em đọc bài, theo dõi tác phẩm là sẽ trả lời được.
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Chí Phèo, để tìm hiểu nhân vật Chí Phèo, giáo viên đặt cho học sinh những câu hỏi sau:
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Chí Phèo vừa đi vừa chửi, Chí Phèo chửi như thế nào?Có ai đáp trả hắn không?
Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi làng, chửi cha sinh mẹ đẻ đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn nhưng không ai thèm ra tiếng đáp trả.
Tóm tắt diễn biến cuộc đời Chí Phèo từ khi sinh ra đến lúc tự sát.
+	Sinh ra: bị bỏ rơi nhưng được dân làng Vũ Đại cưu mang, lớn lên đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến.
+	Bị Bá Kiến đẩy vào tù để thỏa lòng ghen: sau khi ra tù dị hình, dị dạng, dị nhân cách.
+	Gặp Thị Nở: muốn trở về làm người lương thiện nhưng cuối cùng lại bị Thị Nở từ chối, uất ức vác dao đến giết Bá Kiến rồi tự sát.
Sau khi gặp Thị Nở, tâm tính, suy nghĩ của Chí Phèo có thay đổi như thế nào?
+	Lần đầu tiên tỉnh táo, kể từ sau khi ra tù
+	Nhận thức được âm thanh quen thuộc của cuộc sống, nhận thức được tuổi già đã kề cận, lo lắng cho tương lai: sợ đói rét, ốm đau
+	Khao khát hạnh phúc, khao khát làm hòa với mọi người, hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn
2.3.2. Đặt câu hỏi để tìm hiểu lớp thông tin quan niệm, thông tin tiềm văn bản
a. Câu hỏi mang tính chất phân tích và khái quát
 Đặt những câu hỏi để tìm ra những lí do: tại sao tác giả lại xây dựng, sử dụng những hình ảnh, hình tượng, chi tiết nghệ thuật đó? Ý nghĩa của vấn đề? Yêu cầu học sinh phải suy nghĩ, thâm nhập văn bản ở mức độ cần thiết mới trả lời được. Loại câu hỏi này giúp học sinh biết phân tích, đánh giá và khái quát những vấn đề quy tụ vào những đặc trưng về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng của tác phẩm. 
Qua việc mô tả tiếng chửi của Chí Phèo, ta thấy Chí Phèo là con người như thế nào và Nam Cao muốn nói gì khi dành trường đoạn để mô tả tiếng chửi của Chí Phèo?
Chí Phèo là khối cô đơn thăm thẳm, cô độc vòi vọi. Câu chửi nói lên số phận của Chí Phèo: Chí là kẻ cô đơn tuyệt đối. Chửi là khao khát giao tiếp (muốn được đáp trả mà cũng không ai thèm chửi lại) nhưng lại vô tình bị đẩy xa loài người bằng tiếng chửi.
Tại sao Nam Cao đã không mở đầu tác phẩm bằng sự kiện Chí Phèo ra đời ở cái lò gạch cũ mà lại bằng hình ảnh Chí Phèo vừa đi vừa chửi trong hiện tại?
Chuyện của Nam Cao kể bắt đầu từ thì hiện tại đến quá khứ để tạo ra tương quan đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại: quá khứ, Chí Phèo hiện như cục đất. Hiện tại, Chí là kẻ lưu manh tha hóa. Quá trình biến đổi tính cách của Chí có mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh, hoàn cảnh nào tính cách đó. Mặt khác cách mở như thế gieo vào người đọc sự băn khoăn, thắc mắc: tại sao Chí Phèo lại chửi như thế, từ đó nhà văn dẫn dắt người đọc truy tìm nguyên nhân vì sao CP chửi.
Quá trình thay đổi trong số phận cuộc đời Chí: Con người -> quỷ dữ -> khao khát làm người và phải chết cho thấy số phận của người nông dân như thế nào?Mối quan tâm của nhà văn? 
Từ con người lương thiện thành quỷ dữ là bi kịch của con người hiền lành, lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh tha hóa. Gặp Thị Nở, tình yêu đã thức tỉnh Chí, khơi dậy khát khao làm người, muốn được trở lại làm người nhưng mọi nẻo về đã bị chặn đứng. Đây là bi kịch của kẻ sinh ra là con người mà bị cự tuyệt quyền làm người. Có thể thấy, nhà văn Nam Cao đặc biệt mẫn cảm với vấn đề bi kịch của con người.
Hoặc giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi để học sinh cảm thụ các chi tiết nghệ thuật như sau:
Tại sao từ khi ra tù cho đến khi chết, Chí Phèo luôn tồn tại trong trạng thái say?
Tại sao khi bị Thị Nở tuyệt tình, Chí Phèo định đến để “giết nó và con khọm già nhà nó” (Thị Nở và bà cô), cuối cùng lại đến thẳng nhà Bá Kiến và giết Bá Kiến?
Tại sao sau khi ra tù, Chí Phèo luôn tồn tại trong trạng thái say? Dụng ý của nhà văn?
Tại sao Nam Cao để Chí Phèo xuất hiện lúc mới ra đời ở cái lò gạch cũ. Lúc kết lại tác phẩm lại bằng chi tiết “Thị Nở liếc nhanh xuống bụng vàko người qua lại”?Kết cấu ấy là kết cấu gì? Ý nghĩa của nó?
b.	Câu hỏi so sánh, liên tưởng
Là một trong những loại câu có hiệu quả cao trong quá trình tìm hiểu văn bản. So sánh nhằm mục đích tìm ra điểm giống nhau và khác nhau để làm sáng tỏ vấn đề, khắc sâu kiến thức. Qua việc so sánh, đối chiếu học sinh có thể nhận ra những nét độc đáo, những ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Vận dụng câu hỏi này sẽ giúp việc phân tích văn bản sâu hơn, phong phú, sinh động, liên hệ được các kiến thức cùng đề tài. Có những câu hỏi so sánh ngay kiến thức trong văn bản, có khi so sánh kiến thức giữa hai văn bản khác nhau hay rộng hơn là kiến thức trong cùng một nội dung, đề tài.
+	So sánh ngay trong văn bản
So sánh vai trò, tác động của hai nhân vật Bá Kiến và Thị Nở đối với số phận cuộc đời của nhân vật Chí Phèo? 
Đây là hai nhân vật có liên quan đến hai biến cố lớn mở ra hai bước ngoặt trong số phận cuộc đời Chí Phèo (bị Bá Kiến đẩy vào tù và gặp Thị Nở). Bá Kiến là kẻ thuộc tầng lớp trên, đầy quyền lực, Thị Nở là kẻ dưới đáy xã hội, ngẩn ngơ, vô tâm vô tính. Ma chê quỷ hờn nhưng Thị Nở mang cái tâm của một bậc thánh nhân. Thị Nở vĩ đại gấp trăm nghìn lần kẻ có quyền thế như Bá Kiến. Vì nếu Bá kiến hủy hoại phần người tốt đẹp trong con người Chí, khai sinh ra một con quỷ dữ thì chính Thị Nở lại gọi về bản chất lương thiện trong con người Chí. Bằng tình yêu và tình người, Thị Nở dìu Chí Phèo về với vùng ánh sáng của thiện nhân.
So sánh như thế sẽ giúp học sinh thấy được ý tưởng của nhà văn. Nam Cao đã truy tìm nguyên nhân đẩy con người vào con đường lưu manh tha hóa.Từ đó thể hiện niềm tin vào con người, khẳng định và ngợi ca con người.
+	So sánh giữa hai tác phẩm
 Đều là những nhân vật được xây dựng để phản ánh hiện thực, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng và Chí Phèo của Nam Cao có điểm gì giống và khác nhau?
Chí Phèo và Xuân Tóc Đỏ đều là kẻ lưu manh, tha hóa. Tuy nhiên, Chí Phèo bị xã hội quăng quật, đày đọa, biến thành lưu manh. Còn Xuân Tóc Đỏ lại là kẻ tự lưu manh tha hóa (bằng sự dâm và đểu cố hữu, hắn lợi dụng sự giả dối, bịp bợm của xã hội thượng lưu Hà Thành để tiến thân). Sự lưu manh tạo tiền đề cho hắn leo cao, từ kẻ hạ lưu trở thành bậc vĩ nhân cứu quốc.
Qua sự so sánh ấy học sinh sẽ thấy được sự khác nhau trong cảm hứng của 2 nhà văn. Nếu với Vũ Trọng Phụng là sự phê phán, tố cáo quyết liệt cái xã hội khốn nạn, chó đểu mà ông vô cùng căm uất: những kẻ ngồi trên ngôi vị cao ấy đều là bọn lưu manh, vô đạo mà thôi. Còn với Nam Cao, Chí Phèo là sự truy tìm nguyên nhân người lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh tha hóa, từ đó thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, thông cảm và bênh vực con người.
+ Các nhân vật cùng đề tài trong sáng tác của chính nhà văn đó
Chí Phèo và Lão Hạc là những nhân vật thuộc giai cấp nông dân của Nam Cao trước cách mạng tháng 8 đều có kết cục hết sức bi thảm: tự tử. Hãy so sánh cách tự tử của Lão Hạc giống và khác nhau như thế nào với cách tự tử của nhân vật chí Phèo? Dụng ý của nhà văn?
Chí Phèo tự tử là nỗ lực chống lại sự tha hóa. Tự tử là cuộc quyết đấu giữa con người lương thiện với con người quỷ dữ. Lão Hạc chết là để bảo toàn nhân cách. Nhân vật của NC đã chấp nhận đánh đổi tàn khốc, nghiệt ngã, bị hủy hoại sự sống để có được nhân cách. Xét về mặt số phận, tự tử là bế tắc, nhưng về mặt nhân tính lại là sự chiến thắng chính mình, khẳng định nhân tính của con người mình. Nhà văn đồng tình với khát vọng sống có nhân cách của con người. 
c.	Câu hỏi tranh luận, nêu vấn đề. 
Đưa ra tình huống lựa chọn giúp học sinh phát triển óc phán đoán, suy luận, nhận xét để tìm ra nội dung hợp lí nhất. Tạo ra những phút bùng nổ trong giờ dạy học tác phẩm văn chương. 
 Tại sao Nam Cao không để Chí Phèo sống sau khi giết Bá Kiến ?
Ở xã hội như thế, nếu hiền sẽ tiếp tục bị “cho ăn bùn”, muốn sống lại phải lưu manh tha hóa. Chí Phèo không muốn tiếp tục lưu manh, vậy chỉ có một lựa chọn duy nhất. Giết mình là giết phần quỷ dữ, không để cho phần quỹ dữ tiếp tục tung tác. Nam Cao vô cùng thâm thúy khi chỉ ra rằng, làm người lương thiện trong chế độ đó thực chất là một hành động tự sát.
	Tại sao Nam Cao lại miêu tả Thị Nở xấu đến như thế. Miêu tả xấu vừa vừa có được không?
Đến kẻ xấu ma chê quỷ hờn như Thị Nở mà cũng chê Chí Phèo, cao giá hơn Chí Phèo thì quả là Chí Phèo vô cùng thảm hại. Chí Phèo càng thảm hại bao nhiêu thì ý nghĩ tố cáo càng sâu sắc bấy nhiêu.
d.	Câu hỏi ứng dụng, liên hệ: giúp học sinh chuyển nhận từ nhận thức về tác phẩm bên ngoài vào trong
Thái độ của em đối với nhân vật Chí Phèo như thế nào?
Tác phẩm này có đóng góp gì đối với đời sống ngày nay?
Góp tiếng nói tích cực đối với xã hội: hãy tạo điều kiện, vun trồng cho những tâm tính tốt đẹp, hãy chắp cánh cho những ước mơ cao đẹp của con người. Đừng đánh hỏng ước mơ và cuộc đời của những con người lương thiện.
Tóm lại: Qua đàm thoại, học sinh sẽ tự giải mã được các tín hiệu nghệ thuật, xâu chuỗi và khái quát được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Hiểu được tư tưởng, quan điểm nghệ thuật của Nam Cao - một nhà văn mẫn cảm với vấn đề bi kịch của con người; một nhà văn nhân đạo, người đặt trọn vẹn niềm tin vào bản tính thiện của con người, người luôn đau đáu về nhân tính của con người trong một xã hội phi nhân tính.
Trên đây chỉ là những định hướng về cách đặt câu hỏi theo phương pháp gợi mở, ở một dịp khác, chúng tôi sẽ trình bày một giáo án hoàn thiện về bài học tác phẩm Chí Phèo với phương pháp chủ công này.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản thân đồng nghiệp và nhà trường
Đề tài được vận dụng trong năm học 2018-2019 đã có được những hiệu quả nhất định. Tôi nhận thấy các em thích thú, hưng phấn trong giờ học, tiếp thu chủ động, chính xác và có chiều sâu. Kết thúc cuộc đàm thoại học sinh có niềm vui của sự khám phá, vừa nắm được kiến thức mới, vừa nắm được cách thức đi tới kiến thức đó, trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy. Cá tính sáng tạo và sự tìm tòi, nghiên cứu học tập bộ môn của học sinh được kích thích và phát huy. 
Sau khi tiến hành giảng dạy tác phẩm “ Chí Phèo” theo hai hướng vận dụng ở hai lớp 11A và 11D năm học 2018-2019, tôi đã cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút và thu được kết quả như sau:
Đề bài: Qua số phận cuộc đời nhân vật Chí Phèo, em thấy điều mà Nam Cao luôn trăn trở là gì?
Lớp
Sĩ số 
Giỏi
Khá
TB
Yếu, Kém
SL
%
SL
%
SL
%
SL
%
11A 
45
3
6,7
14
31,1
24
53,3
4
8,9
11D
38
7
18,4
20
52,6
11
29,0
0
Từ kết quả trên có thể thấy được hiệu quả của đề tài: ở lớp không áp dụng đề tài này (11A), tỷ lệ Giỏi và Khá rất ít, tỷ lệ Yếu, Kém vẫn còn; còn ở lớp vận dụng đề tài này (11D) thì tỷ lệ Giỏi, Khá vượt trội và đặc biệt không còn học sinh bị điểm Yếu, Kém.
3. Kết luận, kiến nghị
3.1. Kết luận
Dạy một giờ văn theo nghĩa vụ thông thường hẳn không phải là một thử thách đối với người giáo viên. Nhưng để dạy một giờ tạo ấn tượng sâu đậm, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động thâm nhập tác phẩm, giúp khắc sâu kiến thức ngay tại lớp và tạo độ bền vững kiến thức cho các em mới là điều nan giải. Trăn trở tìm lối thoát cho giờ dạy, tìm phương pháp phù hợp để phát huy tính tích cực, chủ động cho các em là một sự cần thiết trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
Gợi mở bằng hệ thống câu hỏi phát vấn là một trong những phương pháp cần thiết trong khi dạy phần văn bản môn Ngữ văn. Nó là phương pháp chủ công nhưng không phải là phương pháp duy nhất. Giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp như gợi mở, đọc diễn cảm, giảng bình, nêu vấn đề để tạo một giờ học sôi nổi, hấp dẫn. Và trong mọi trường hợp, yếu tố cơ bản mang lại sự thành công cho giờ dạy phần văn bản môn Ngữ văn vẫn là sự đầu tư công sức, tâm huyết của giáo viên.
3.2. Kiến nghị
-	Với Sở giáo dục và đào tạo: Phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm đã được đánh giá cao để giáo viên có cơ hội học hỏi từ đồng nghiệp. Tổ chức các đợt tập huấn về chuyên môn cho giáo viên nâng cao trình độ.
-	Với nhà trường: Cung cấp thêm các tài liệu, tư liệu dạy học Văn để giáo viên và học sinh có thể tham khảo, nghiên cứu học tập nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Nhà trường tổ chức nhiều các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn với các trường bạn, mời chuyên viên của Sở giáo dục về truyền đạt lại một số kinh nghiệm dạy học.
Trên đây là đề tài được tôi rút ra trong quá trình tìm tòi, tự học của mình và qua những giờ thực dạy. Rất mong sự góp ý của các bạn đồng nghiệp để đề tài được đầy đủ và hoàn thiện hơn.

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_van_dung_phuong_phap_goi_mo_nham_phat_huy_tinh_tich_cuc.doc