Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh Lớp 5

Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh Lớp 5

 Trong những năm học gần đây, qua tìm hiểu tình hình học sinh của trường và đồng thời qua thực tế giảng dạy, tôi thấy kĩ năng viết chính tả của học sinh chưa được tốt. Có nhiều em chưa có ý thức viết đúng chính tả. Cụ thể những tiếng, từ có sẵn trong sách giáo khoa hoặc giáo viên đã ghi trên bảng và những từ thường xuyên sử dụng nhưng vẫn viết sai. Điều này ảnh hưởng không ít đến việc học tập và cả kết quả giáo dục của lớp.

 Học sinh có viết đúng chính tả và trên cơ sở đã hiểu nội dung câu thơ, câu văn, đoạn thơ, đoạn văn thì các em mới hiểu tường tận về nội dung và nắm được ý nghĩa giáo dục của bài viết.

 Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy cần thiết phải có biện pháp làm sao cho hầu hết học sinh đều viết tốt, vì đó là nền tảng để cho các em học tốt phân môn Chính tả nói riêng và các môn học nói chung. Nó tạo ra hứng thú và động cơ học tập; giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập. Chính vì vậy, dạy viết đúng chính tả có một ý nghĩa vô cùng to lớn ở bậc tiểu học.

 

doc 10 trang Trần Đại 27/04/2023 7832
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh Lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
MÔ TẢ SÁNG KIẾN 
Mã số:..
1. Tên sáng kiến: Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 5.
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Nâng cao chất lượng giảng dạy.
3. Mô tả bản chất của sáng kiến
3.1 Tình trạng giải pháp đã biết
 Trong những năm học gần đây, qua tìm hiểu tình hình học sinh của trường và đồng thời qua thực tế giảng dạy, tôi thấy kĩ năng viết chính tả của học sinh chưa được tốt. Có nhiều em chưa có ý thức viết đúng chính tả. Cụ thể những tiếng, từ có sẵn trong sách giáo khoa hoặc giáo viên đã ghi trên bảng và những từ thường xuyên sử dụng nhưng vẫn viết sai. Điều này ảnh hưởng không ít đến việc học tập và cả kết quả giáo dục của lớp. 
 Học sinh có viết đúng chính tả và trên cơ sở đã hiểu nội dung câu thơ, câu văn, đoạn thơ, đoạn văn thì các em mới hiểu tường tận về nội dung và nắm được ý nghĩa giáo dục của bài viết.
 Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy cần thiết phải có biện pháp làm sao cho hầu hết học sinh đều viết tốt, vì đó là nền tảng để cho các em học tốt phân môn Chính tả nói riêng và các môn học nói chung. Nó tạo ra hứng thú và động cơ học tập; giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập. Chính vì vậy, dạy viết đúng chính tả có một ý nghĩa vô cùng to lớn ở bậc tiểu học. 
 Ưu điểm của giải pháp cũ
Các giải pháp trước đây đã nêu được trình tự của các bước khi dạy học sinh viết chính tả. Đồng thời, đưa ra những biện pháp giúp học sinh cảm thụ được nội dung bài viết và một số cách luyện viết tốt.
Nhược điểm của giải pháp cũ
- Chưa tìm hiểu kĩ để phân loại học sinh theo khả năng viết từ đó có những giải pháp phù hợp để rèn luyện từng cá nhân học sinh giúp em tiến bộ hơn.
- Chưa có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng viết ở từng giai đoạn.
- Chưa có nhiều dẫn chứng thực tế trong giảng dạy đối với những bài khó trong việc luyện viết.
- Chưa tạo cho học sinh sự thoải mái, ham thích viết, học mà chơi, chơi mà học để giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
 3.2.1. Mục đích của giải 
 Bước đầu hình thành cho học sinh cách viết đúng và phát triển cho các em cách viết tốt kích thích trí tưởng tượng, gây hứng thú cho các em. Giúp học sinh có khả năng sử dụng, tiếp thu các nguồn thông tin, học sinh hứng thú viết và viết tốt hơn, cảm thụ tốt hơn. Góp phần làm cho tiết học sinh động, học sinh tích cực, không nhàm chán. Giúp các em học tốt tất cả các môn, nâng cao chất lượng dạy và học.
3.2.2. Nội dung của giải pháp
Chia nhóm học sinh theo khả năng viết
Qua tìm hiểu, điều tra để nắm chắc đối tượng học sinh và lựa chọn, đặc biệt là về kĩ năng viết và chia nhóm học sinh theo ba đối tượng:
+ Đối tượng 1: Học sinh viết tốt, thể hiện nội dung bài viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp.
+ Đối tượng 2: Học sinh đúng chính tả, tốc độ viết còn chậm, chữ viết chưa cẩn thận.
+ Đối tượng 3: Học sinh viết còn sai nhiều lỗi chính tả.
Dựa vào kĩ năng viết của từng học sinh mà sắp xếp chỗ ngồi cho các em viết yếu ngồi cạnh những em viết khá, viết tốt để tạo thành đôi bạn cùng tiến. Ở từng chủ điểm tôi giới thiệu ý chính của chủ điểm được thể hiện trong các bài viết để các em bước đầu nắm được ý nghĩa của bài viết, cũng như yêu cầu cơ bản để từ đó các em rèn kĩ năng viết đúng, viết tốt hiệu quả hơn. 
Chuẩn bị trước khi viết
 Đầu tiên tôi qui định học sinh chuẩn bị đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập cho môn học.
 Do học sinh không đọc trước bài viết, nên các em viết thường bớt chữ và tốc độ viết còn chậm. Tôi đôn đốc và nhắc nhở các em thường xuyên trong việc rèn luyện đọc và viết bài. Chuẩn bị chu đáo bài dạy, dự tính các tình huống xảy ra trên lớp. Hướng dẫn học sinh tư thế ngồi học, cách cầm viết, cách để vở ngay ngắn làm cơ sở cho viết đúng và trình bày chữ viết sạch đẹp.
 Tôi cho các em hiểu rằng việc viết sai lỗi chính tả sẽ làm cho người đọc, người nghe không hiểu đúng những gì mình đã viết, thậm chí còn làm cho người đọc cảm giác khó chịu và xem thường người viết. Có viết đúng chính tả thì mới học tốt môn Tiếng Việt và mới học tốt các môn học khác. Nếu như các em viết sai lỗi chính tả nhiều thì trong các bài kiểm tra định kì sẽ bị điểm thấp môn Tiếng Việt. Việc rèn luyện kĩ năng viết chính tả không phải là một việc làm dễ dàng nhưng chỉ cần các em chú ý khi đọc, khi viết, có ý thức viết đúng chính tả và làm theo hướng dẫn thì nhất định các em sẽ thành công. 
 Sau đó, tôi cho các em xem một số vở chính tả tiêu biểu (chữ viết đẹp, trình bày sạch sẽ, ít sai lỗi chính tả) của học sinh năm trước để tác động vào ý thức của học sinh.
Rèn kĩ năng đọc đi đôi với luyện viết chính tả
 Như chúng ta đã biết: đọc thông thì mới viết thạo. Học sinh đọc còn chậm và sai nhiều thì không thể viết đúng chính tả. Vì đọc chưa thông nên khi viết chính tả các em thường mắc các lỗi do không nắm vững âm vần và dấu thanh. Vì vậy, đối với những học sinh này, trước hết tôi phải chú trọng khâu luyện đọc cho các em.
 Hàng ngày trên lớp, tôi chú ý rèn đọc cho các em bằng cách: 
 - Gọi các em đọc bài nhiều lần không chỉ ở phân môn Tập đọc mà cả ở các môn học khác, kiên trì sửa lỗi cho từng em.
 - Phân công học sinh có khả năng đọc bài tốt đọc bài cùng các em khi luyện đọc trong nhóm.
 - Cho các em luyện đọc và viết bài trong giờ tự học, tôi kiểm tra và nhận xét. 
 - Khuyến khích các em học thuộc lòng một đoạn văn hay một vài khổ thơ, rồi nhớ - viết đoạn văn hay khổ thơ đã thuộc. 
 Muốn đạt được những kết quả này đòi hỏi ở mỗi giáo viên cần làm được những việc như sau:
 - Giáo viên phải là người đọc đúng chuẩn tiếng Việt, đọc hay, có sức thu hút học sinh. Rèn đọc từng bước một.
 - Thực hiện tốt đặc trưng của bộ môn. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn quan sát, kiểm tra,  từ đó phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, hoặc những lỗi mà học sinh hay mắc phải để kịp thời sửa chữa, uốn nắn tận tình và thường xuyên.
 - Phải phối hợp với phụ huynh kịp thời.
 - Động viên các em bằng lời khen. Đổi mới đánh giá chú ý lời nhận xét trực tiếp. Với học sinh khen đúng sự tiến bộ để kích thích các em ngày càng đọc và viết tốt hơn.
 - Hướng dẫn học sinh viết đúng chính tả theo phương ngữ
 Cách phát âm theo phương ngữ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc viết đúng chính tả của học sinh Tiểu học. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh viết sai lỗi chính tả nhiều. Nhưng chúng ta không thể bắt buộc, không thể luyện cho các em đọc đúng chính âm được. Chúng ta chỉ có thể khắc phục lỗi chính tả cho học sinh ở mỗi vùng miền khác nhau bằng cách dạy chính tả theo phương ngữ. Nghĩa là, chúng ta phải xác định được “trọng điểm chính tả” cần dạy cho học sinh, nội dung về giảng dạy chính tả phải sát hợp với tình hình thức tế mắc lỗi chính tả của học sinh ở địa phương đó. Hiện nay, sách giáo khoa Tiếng Việt đã có những bài tập chính tả cho giáo viên lựa chọn hoặc giáo viên có thể tự soạn nội dung bài tập sao cho phù hợp với học sinh thuộc vùng miền mình đang dạy. Đó là điều kiện thuận lợi cho giáo viên, nhưng cũng là những khó khăn đòi hỏi sự sáng tạo, sự đầu tư nhiều cho bài dạy ở mỗi giáo viên.
 Để dạy chính tả theo phương ngữ, tôi tiến hành như sau:
 - Những lỗi chính tả cơ bản của học sinh 
 Lỗi mà đa số học sinh lớp tôi mắc phải chủ yếu là lỗi do ảnh hưởng của cách phát âm theo phương ngữ. Cụ thể:
 - Lẫn lộn các phụ âm đầu (v/d/gi; x/s; ng/ngh).
 Ví dụ: vẻ vang, gia đình, hoa sen, màu xanh . . . thì viết thành: dẻ dang, da đình, hoa xen, màu sanh 
 - Lẫn lộn 2 âm chính (o/ô; ă/â).
 Ví dụ: sóng biển, cuộc sống, cái cặp . . . thì viết thành: sống biển, cuộc sóng, cái cập . . .
 - Lẫn lộn các vần (in/ inh; ui/ uôi; êu/iêu).
 Ví dụ: niềm tin, trắng tinh, mặt mũi, cuối cùng, đều đặn, kêu gọi,  thì viết thành: niềm tinh, trắng tin, mặt muỗi, cúi cùng, điều đặn, kiêu gọi . . .
 - Lẫn lộn các âm cuối ( n/ng; t/c).
 Ví dụ: buôn làng, mong muốn, đôi mắt, ăn mặc . . . thì viết thành: buông làng, mong muống, đôi mắc, ăn mặt . . .
 - Lẫn lộn thanh hỏi, thanh ngã.
 Ví dụ: vĩ đại, vỉ thuốc, mãnh liệt, mảnh vải . . . thì viết thành: vỉ đại, vĩ thuốc, mảnh liệt, mãnh vải . . .
 Ngoài các lỗi phổ biến trên, một số học sinh lớp tôi còn mắc một số lỗi riêng biệt (lỗi chính tả do không nắm vững âm vần và dấu thanh).
 Ví dụ: chăm sóc thì viết thành chăn sóc;
 thành công thì viết là thàng công, củng cố viết thành cũnh cố,
 - Hướng dẫn học sinh sửa lỗi chính tả 
 Việc hướng dẫn học sinh phát hiện lỗi và sửa lỗi trong bài viết cũng rất quan trọng. Đây là một thói quen mà giáo viên cần phải rèn cho học sinh, không chỉ ở môn Chính tả mà ở tất cả các môn học khác. Đối với những môn học khác, tôi cũng luôn nhắc nhở học sinh viết đúng chính tả. Khi nhận xét đoạn văn hoặc bài làm văn và các bài kiểm tra định kì của học sinh, tôi nhận xét kĩ càng, tỉ mỉ, chỉ rõ các lỗi chính tả và hướng dẫn học sinh sửa lỗi khi trả bài.
 Sau khi nhận xét bài chính tả, tôi hướng dẫn các em cách ghi các lỗi và sửa lại cho đúng (ghi từ chứa tiếng sai để hiểu nghĩa rồi viết lại đúng chính tả), sửa trong vở chính tả, sau đó ghi vào bảng theo dõi việc sửa lỗi (một năm học có bốn bảng, theo từng nửa học kì). Mấy tuần đầu, những em viết sai nhiều, tôi nhắc nhở và khuyến khích các em chép lại bài cho đẹp và đúng chính tả. Hàng tháng tôi thu bảng theo dõi việc sửa lỗi và vở chính tả của học sinh để nhận xét chọn ra học sinh tiến bộ để tuyên dương. Nhờ có bảng này, các em có ý thức hơn trong việc rèn luyện chữ viết, viết đúng chính tả.
BẢNG THEO DÕI VIỆC SỬA LỖI
Số TT
Tên bài chính tả
Tổng số lỗi
Các lỗi cụ thể
Sửa lỗi
 1
Việt Nam thân yêu
..
..
.
..
..
2
Lương Ngọc Quyến
.
.
..
 3
Thư gửi các học sinh
.
.
..
.
 4
Anh bộ đội Cụ Hồ gốc Bỉ
.
.
.
.
..
...
.
 5
Một chuyên gia máy xúc
.
.
.
.
.
..
 6
Ê- mi- li, con
..
.
..
 7
Dòng kinh quê hương
.
..
.
.
..
.
..
 8
Kì diệu rừng xanh
.
..
.
..
.
 9
Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
.
..
..
.
..
..
 - Kết hợp ghi nhớ hình thức chữ viết của từ và nghĩa của từ
 Việc nắm nghĩa từ rất quan trọng. Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp học sinh viết đúng chính tả. Đó là đặc trưng quan trọng về phương diện ngôn ngữ của chính tả Tiếng Việt, nó sẽ giúp học sinh giải quyết được những lỗi chính tả do ảnh hưởng cách phát âm theo phương ngữ. Vì vậy có thể nói rằng chính tả Tiếng Việt còn gọi là chính tả ngữ nghĩa.
 Học sinh lớp tôi viết sai chính tả, một phần lớn là do các em không nắm được nghĩa của từ. Vì thế, khi dạy chính tả hoặc dạy các phân môn học khác của môn Tiếng Việt, tôi luôn chú ý giúp các em:
 - Hiểu nghĩa của từ, phân biệt từ này với từ khác để các em ghi nhớ cách viết của mỗi từ. 
 Ví dụ: Nếu tôi đọc một từ có hình thức ngữ âm là “ dành “ thì học sinh sẽ lúng túng trong việc xác định hình thức chữ viết của từ này. Nhưng nếu tôi đặt nó vào một ngữ cảnh hay gắn cho nó một nghĩa xác định như : Em để dành tiền mua sách truyện Thiếu nhi./ Trong trận đấu bóng đá ngày mai, các em phải giành lấy chiến thắng./ Các em đọc rõ ràng, rành mạch để cả lớp cùng nghe. Như vậy học sinh sẽ dễ dàng viết đúng chính tả.
 - Khi đọc chính tả cho học sinh viết, tôi đọc từng cụm từ (diễn đạt một ý nhỏ); tôi luôn nhắc nhở các em chú ý lắng nghe, hiểu nghĩa từ để viết đúng chính tả.
 - Khi học sinh sửa lỗi trong bài chính tả, tôi yêu cầu các em ghi từ chứa tiếng sai rồi sửa lại cho đúng; không nên chỉ ghi một tiếng sai rồi sửa lại, sửa như vậy các em sẽ không ghi nhớ các từ đã viết sai.
 - Trong các tiết Tập đọc, tôi tập cho các em tìm cách ngắt giọng ở những câu dài, ngắt nghỉ đúng các dấu câu, giải nghĩa các từ khó.
 - Khi học sinh làm bài tập chính tả, tôi chọn các bài theo phương ngữ Nam Bộ, tập trung vào các “trọng điểm chính tả” để khắc phục các lỗi chính tả do cách phát âm của địa phương. 
 Ví dụ: Bài tập chính tả tuần 16 (SGK trang 115) yêu cầu tìm các từ ngữ chứa các tiếng vàng- dàng; vào-dào, vỗ- dỗ. Thay vì cho các em tìm từ chứa các tiếng đã cho, tôi cho sẵn các từ và yêu cầu các em tìm các từ viết sai chính tả.
 - Ôn tập giúp học sinh nắm vững các qui tắc chính tả
 Ở những lớp dưới, các em đã được cung cấp một số qui tắc chính tả. Lên lớp 5, các em vẫn thường xuyên được ôn lại. Nhưng không phải em nào cũng nhớ và vận dụng để viết đúng chính tả. Việc ghi nhớ và vận đúng các qui tắc chính tả không phải là điều dễ dàng. Nếu cứ nói, cứ giảng mãi thì rồi các em cũng vẫn cứ quên. Để giúp các em nắm vững các qui tắc chính tả đã học một cách khái quát có hệ thống, tôi đã chọn lọc, tổng hợp các qui tắc chính tả ở mức độ đơn giản để các em dễ nhớ, dễ thuộc, thậm chí khi nào quên các em có thể xem để viết đúng chính tả. Qui tắc học sinh rất dễ học, dễ nhớ và nhanh thuộc.
MỘT SỐ QUI TẮC CHÍNH TẢ
Số TT
Các qui tắc chính tả
Cách viết
 1
 Qui tắc ghi phụ âm đầu
a) Qui tắc viết k/ c/ q
b) Qui tắc viết g / gh và ng / ngh
-Trước i, e, ê, được viết là k 
-Trước âm đệm u được viết là q.
- Trước i, e, ê được viết là gh hay ngh. Viết là g hay ng trong các trường hợp còn lại.
 2
 Qui tắc ghi âm i , y
- Viết i sau phụ âm đầu
- Viết y sau âm đệm
- Khi nguyên âm này đứng một mình thì viết là i đối với từ thuần Việt ; viết là y đối với từ gốc Hán. 
 3
 Qui tắc ghi dấu thanh các tiếng có nguyên âm đôi
- Có âm cuối thì đặt dấu thanh ở chữ cái thứ hai của nguyên âm đôi.
- Không có âm cuối thì đặt dấu thanh ở chữ cái đầu của nguyên âm đôi.
 Giao trước nhiệm vụ sẽ viết trong giờ Chính tả để học sinh viết chưa tốt chuẩn bị, học sinh sẽ viết tốt hơn, căn cứ vào đó tuyên dương, khuyến khích giúp các em tự tin hơn. Cũng từ đó các em sẽ tự cố gắng.
3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp 
 Qua thực tế áp dụng tôi thấy các giải pháp nêu trên có thể áp dụng cho tất cả các lớp khối 4, 5 trong trường cũng như các trường khác trong huyện. Tùy tình hình của từng lớp mà áp dụng có hiệu quả.
	3.4. Hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp 
 Trong quá trình giảng dạy, với việc áp dụng các biện pháp trên tôi nhận thấy học sinh đã có tiến bộ khá rõ rệt:
 Học sinh hứng thú học tập, hoạt động tích cực hơn, các em mạnh dạn tự tin hơn khi viết bài. Số em viết chưa đạt yêu cầu giảm đi. Số em viết đúng chính tả được tăng lên, cụ thể:
 Đầu năm: 
Số học sinh viết đúng chính tả: 13 em (68,4%)
Số học sinh viết chưa đạt yêu cầu: 6 em (31,6%)
Đến cuối năm:
Số học sinh viết đúng chính tả: 18 em (94,7%)
Số học sinh viết chưa đạt yêu cầu: 1 em (5,2%)
 Các em dần thích được viết để thể hiện bài viết của mình. 
 Như vậy với một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy biện pháp mà tôi đưa ra đã thu được kết quả thật khả quan. Nếu giáo viên áp dụng các biện pháp này một cách thường xuyên ở lớp thì chắc chắn chất lượng viết của các em sẽ được nâng lên.
 3.5. Tài liệu kèm theo: Không có.
 Mỏ Cày Bắc, ngày 26 tháng 11 năm 2018

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_ren_ki_nang_viet_dung_chinh_ta_cho_hoc.doc