Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp rèn kĩ năng đọc đúng trong phân môn tập đọc cho học sinh lớp 2D trường tiểu học Vĩnh Lâm

Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp rèn kĩ năng đọc đúng trong phân môn tập đọc cho học sinh lớp 2D trường tiểu học Vĩnh Lâm

Trong môn Tiếng Việt thì các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều có tầm quan trọng. Đọc là một trong 4 kĩ năng rất cần thiết của các em học sinh. Muốn các em đọc tốt, đọc diễn cảm, đọc hay thì trước hết phải rèn cho các em biết đọc đúng thông qua phân môn tập đọc. Ngoài chức năng dạy đọc, phân môn này còn trau dồi cho học sinh những kiến thức Tiếng Việt, kiến thức Văn học, kiến thức đời sống và giáo dục tình cảm, mĩ cảm cho các em. Yêu cầu đọc của học sinh lớp 2 trong phân môn tập đọc là phải đọc đúng và rõ ràng toàn bài, biết nghỉ hơi sau các dấu câu, giữa các dòng, các cụm từ, đọc trôi chảy một đoạn văn, đoạn đối thoại hoặc một bài văn ngắn. Bước đầu biết đọc thầm, biết dùng mục lục sách giáo khoa khi đọc và hiểu được ý chính của đoạn văn vừa đọc. Sau đó là yêu cầu về đọc diễn cảm và hiểu nội dung bài đọc. Biết đọc là một yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với mỗi học sinh đi học. Trước hết là các em phải “đọc đúng” để chiếm lĩnh được ngôn ngữ. “Đọc đúng” là công cụ giúp ta học cả đời. Bên cạnh đó nếu “đọc đúng” sẽ giúp các em học tốt các môn học khác.

Là một giáo viên đứng lớp, tôi luôn mong muốn cho học trò của mình học tập tiến bộ. Bản thân không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tìm tòi nghiên cứu để nâng cao năng lực, trình độ tay nghề để hoàn thiện mình hơn, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời đại mới.

 

docx 12 trang tuyettranh 24/12/2022 10151
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Biện pháp rèn kĩ năng đọc đúng trong phân môn tập đọc cho học sinh lớp 2D trường tiểu học Vĩnh Lâm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG ĐỌC ĐÚNG
 TRONG PHÂN MÔN TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 2D
 TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH LÂM 
PHẦN I. MỞ ĐẦU
Lý do chọn biện pháp
Trong môn Tiếng Việt thì các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều có tầm quan trọng.  Đọc là một trong 4 kĩ năng rất cần thiết của các em học sinh. Muốn các em đọc tốt, đọc diễn cảm, đọc hay thì trước hết phải rèn cho các em biết đọc đúng thông qua phân môn tập đọc. Ngoài chức năng dạy đọc, phân môn này còn trau dồi cho học sinh những kiến thức Tiếng Việt, kiến thức Văn học, kiến thức đời sống và giáo dục tình cảm, mĩ cảm cho các em. Yêu cầu đọc của học sinh lớp 2 trong phân môn tập đọc là phải đọc đúng và rõ ràng toàn bài, biết nghỉ hơi sau các dấu câu, giữa các dòng, các cụm từ, đọc trôi chảy một đoạn văn, đoạn đối thoại hoặc một bài văn ngắn. Bước đầu biết đọc thầm, biết dùng mục lục sách giáo khoa khi đọc và hiểu được ý chính của đoạn văn vừa đọc. Sau đó là yêu cầu về đọc diễn cảm và hiểu nội dung bài đọc. Biết đọc là một yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với mỗi học sinh đi học. Trước hết là các em phải “đọc đúng” để chiếm lĩnh được ngôn ngữ. “Đọc đúng” là công cụ giúp ta học cả đời. Bên cạnh đó nếu “đọc đúng” sẽ giúp các em học tốt các môn học khác. 
Là một giáo viên đứng lớp, tôi luôn mong muốn cho học trò của mình học tập tiến bộ. Bản thân không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tìm tòi nghiên cứu để nâng cao năng lực, trình độ tay nghề để hoàn thiện mình hơn, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời đại mới. 
Nắm được tầm quan trọng của việc dạy Tập đọc trong chương trình lớp 2, nhằm nâng cao kĩ năng đọc đúng cho các em học sinh, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng một số biện pháp mang lại hiệu quả khá cao trong năm học vừa qua. Xin chia sẻ cùng quý thầy cô “Biện pháp rèn kĩ năng đọc đúng trong phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 2” mà tôi đã áp dụng tại lớp 2D - Trường Tiểu học Vĩnh Lâm năm học 2019 - 2020.
PHẦN II: NỘI DUNG
1. Đánh giá thực trạng
Năm học 2019-2020, tôi được BGH nhà trường phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 2D với 24 học sinh. Vào đầu năm học tôi nhận thấy lớp tôi chủ nhiệm có những thuận lợi, khó khăn sau:
* Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của BGH nhà trường và các ban ngành đoàn thể.
- Đa số học sinh được trang bị đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
- Một số phụ huynh rất quan tâm đến việc học tập của con em mình.
- Học sinh trong lớp phần đông đọc thành tiếng rõ ràng, đạt yêu cầu.
- Nhà trường đã trang bị đầy đủ thiết bị, đồ dùng dạy học (Tivi, máy chiếu, tranh, ảnh,...).
- Bản thân giáo viên thích nghiên cứu sâu và dạy tập đọc có hiệu quả.
- Luôn được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.
* Khó khăn:
- Bên cạnh những em đọc tốt và đạt yêu cầu thì trong lớp vẫn còn một số em đọc còn chậm, đánh vần rất lâu mới đọc được bài. Đặc biệt trong lớp có em Võ Trần Hữu Hùng và em Nguyễn Thị Mai Sương (em này bị khuyết tật về thần kinh, trí tuệ nhẹ) đọc quá chậm, thậm chí một số vần các em còn quên cách đánh vần.
- Trong lớp có nhiều em do bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ li dị, các em sống với ông bà lớn tuổi, điều kiện hướng dẫn, chăm sóc, bày vẽ cho các em còn hạn chế. 
- Một số ông bà, bố mẹ quá nuông chiều con cháu, về nhà các em ít có thói quen đọc sách báo mà xem ti vi, điện thoại phần nhiều nên khả năng đọc của các em càng khó tiến bộ.
- Một số em quá tự ti, lo sợ mình đọc không đúng nên đọc quá nhỏ, không rõ tiếng, ảnh hưởng đến chất lượng bài đọc, đến cả quá trình luyện đọc của giáo viên. 
- Một số em chưa có góc học tập phù hợp với lứa tuổi của mình, không đảm bảo điều kiện ngồi học.
Qua quá trình giảng dạy cũng như tiếp xúc với các em học sinh một thời gian, tôi nhận thấy các em học sinh lớp 2D năm học 2019-2020 còn mắc phải các lỗi cơ bản sau:
- Đọc trục trặc: một số em còn phải đánh vần khi đọc, chưa đọc trơn được toàn bộ văn bản. 
- Đọc chưa đúng ngữ điệu, chưa diễn cảm. 
- Một số em đọc sai tiếng có âm đầu s/x.
- Một số vần khó các em còn chưa nắm chắc để vận dụng khi đọc (vần uyên/uyêt; uya; oăn/oăt; )
- Một số em đọc sai tiếng có thanh hỏi/ thanh ngã.
Nhằm nâng cao chất lượng các tiết Tập đọc nói riêng và chất lượng đọc của học sinh nói chung, tôi đã nghiên cứu và áp dụng biện pháp để rèn cho học sinh đọc rõ ràng, lưu loát, đúng tốc độ, ngắt nghỉ đúng chỗ (đọc đúng). 
2. Biện pháp áp dụng.
2.1. Khảo sát 
Để đạt được mục đích của mình tôi tiến hành khảo sát ngay tuần thứ hai về kỹ năng đọc của học sinh qua các bài đọc.
* Qua khảo sát đầu năm của lớp, tôi thu được kết quả như sau: 
Tổng số
 học sinh
Đọc to, rõ ràng, chính xác
Đọc rõ ràng, ngắt nghỉ chưa đúng chỗ
Đọc chậm, chưa tròn câu
Đọc nhỏ, đọc sai, bỏ chữ, ngắt nghỉ chưa đúng
24 em
4 em
7em
8 em
5 em
Sau khi khảo sát, tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp phù hợp cho việc rèn đọc.
2.2. Đi thực tế, tìm hiểu việc học ở nhà của học sinh
          Để hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh, môi trường và cách học của các em. Trước hết tôi đến nhà của các em, trực tiếp trao đổi tình hình học tập của các em và nắm bắt việc học ở nhà của các em. 
          Bên cạnh những bạn có ý thức học tập tốt thì cũng có những bạn về nhà chưa chú tâm vào việc học bài, nhất là trong dịp hè. 
          Trước hết tôi đến nhà các bạn đọc yếu nhất lớp. Các em sống với ông bà đã già yếu, không thể hướng dẫn em học, cộng thêm ý thức học tập chưa được tốt, trong suốt thời gian nghỉ hè, không hề đụng tới sách vở, nên không còn nhớ cách đọc, chỉ đọc được những tiếng có vần đơn giản (em Hùng, em Bảo)
          Trong lớp còn có bạn bị khuyết tật về trí tuệ (em Sương) nên việc ghi nhớ kiến thức còn hạn chế. Do đó việc đọc của em cũng rất khó khăn. Lại thêm tự ti về năng lực của mình nên em càng nhút nhát khi đọc bài hơn.
          Các em này đều không có góc học tập riêng. Ngay lúc đó, tôi đã trao đổi với các gia đình để chọn và bố trí, sắp xếp bàn ghế cho các em có một góc học tập phù hợp. Tôi cũng không quên hướng dẫn cho phụ huynh và cả các em này cách đọc, thời gian đọc khi ở nhà. Nếu có gì không hiểu thì liên lạc với tôi ngay.
          Sau đó tôi lần lượt đến thăm gia đình từng học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, góc học tập, thời gian học ở nhà của các em khác, nhắc nhở các em việc học bài ở nhà. Trong quá trình thăm gia đình học sinh, tôi cũng không quên nhờ sự giúp đỡ của các phụ huynh có khả năng trong lúc hướng dẫn con em mình học thì cho bạn bên cạnh sang học cùng với con mình, giúp bạn tiến bộ.
2.3. Tiến hành luyện đọc
2.3.1. Luyện đọc trong giờ Tập đọc
          Trong giờ Tập đọc, tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho các em luyện đọc. Ưu tiên cho các em đọc nhiều hơn, nhận xét các em nhiều hơn để các em nhận ra chỗ sai của mình. 
          Đối với các từ khó đọc, tôi thường viết lên bảng, dùng phấn màu gạch chân các âm tiết cần phát âm. Khi đọc mẫu, tôi nhắc các em chú ý kĩ cách cô phát âm: môi – răng – lưỡi khi phát âm. Sau đó, tôi cho các em đọc lại các từ, các câu chứa từ đó. 
          Khi luyện đọc nhóm, tôi thường xuyên theo dõi, hướng dẫn thêm cho các em này. Khen ngợi kịp thời khi các em có tiến bộ.
          Trong giờ học, tôi cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi về luyện đọc để tạo hứng thú cho các em như  trò Truyền điện: Cô giáo mời một học sinh đọc một câu. Sau khi đọc xong, em đó sẽ mời bất kì em nào đọc câu tiếp theo. Trò chơi này các em đều trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để đọc. Các em con hứng thú vì mình được quyền mời các bạn khác. Hay trò chơi Ghép chữ: Tôi chuẩn bị những câu có trong bài Tập đọc nhưng bị khuyết một số từ quan trọng, các em sẽ viết vào bảng con từ cần điền vào chỗ chấm. Đội nào có nhiều đáp án đúng hơn và đọc được câu trọn vẹn nhanh hơn sẽ thắng. 
2.3.2. Luyện đọc thêm cho học sinh vào đầu giờ, cuối giờ hằng ngày.
Dù sử dụng biện pháp nào thì việc luyện đọc phải dành nhiều thời gian cho các em. Vì thế, tôi chủ động lên kế hoạch dạy học, phụ đạo thêm, kiên trì, chịu khó dạy âm, vần cho học sinh biết ghép rồi đọc thành tiếng đối với nhóm học sinh đọc yếu. Thời gian đầu, tôi mượn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 3 về lớp, đầu và cuối mỗi buổi học tôi cho các em ôn lại một số vần khó, tiếng khó giúp các em nhớ lại kiến thức lớp Một. Sau đó, cho các em đọc các bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt và các sách khác. 
Đối với các học sinh khác, tôi tăng cường cho các em luyện đọc vào các tiết ôn, giữa giờ dưới sự giám sát, hướng dẫn của ban cán sự lớp.
Ngoài việc sửa chữa trong mỗi tiết Tập đọc và các môn học khác, thì cuối mỗi buổi học tôi còn giao những bài tập đọc nhỏ để học sinh tự luyện đọc ở nhà và về nhà đọc trước bài của ngày hôm sau.
Để kích thích việc đọc cho các em, tôi thường mượn thêm những quyển truyện ngắn, có tranh minh họa tại thư viện để cho các em đọc thêm trong giờ ra chơi. Qua đó cho thấy các em rất hứng thú với việc đọc. 
2.3.3. Dạy cho học sinh phong cách học
Qua cách rèn luyện trên tôi nhận thấy học sinh ngày đọc một tiến bộ hơn, đọc nhanh rõ ràng, lưu loát, ngắt nghỉ đúng quy định. Bên cạnh đó còn có một số em đọc chậm vì quá chú ý đến rèn đọc đúng để không sai âm đầu hoặc vần. Tôi đã tận tình hướng dẫn rèn luyện nhắc nhở về nhà đọc trước bài thì mới đọc nhanh đọc đúng được. Ngoài ra, khi các em đứng lên đọc cần phải đứng đúng tư thế, cầm sách vừa tầm mắt, không lười biếng đặt sách ở bàn mà cúi đầu xuống đọc. Cùng với việc rèn đọc từng cá nhân, tôi đã thành lập “đôi bạn cùng tiến”  
để các em giúp nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Để các em đọc bài được tốt ở nhà hoặc ở lớp, tôi đều nhắc các em phải đọc ở nơi có đầy đủ ánh sáng. Ở lớp: tôi thường nhắc lớp mở các cánh cửa sổ phòng học để không khí thoáng mát, ánh sáng đầy đủ. Ở nhà: tôi yêu cầu các em cần phải tạo cho mình một nơi ngồi học có đầy đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp và yên tĩnh. Không nên nằm trên giường ngủ để học và đọc sách hoặc đọc bài.
Ngoài việc rèn đọc đúng, tôi còn hướng dẫn cho học sinh đọc diễn cảm, đọc to, đọc nhanh, khi các em đã đọc đúng rồi từ đó các em yêu thích đọc hơn, cảm thụ được văn thơ, hiểu được các bài toán, trả lời tốt câu hỏi ở các môn học khác.
Lời giảng của giáo viên luôn trong sáng, mẫu mực hấp dẫn để tạo cho lớp học một không khí sinh động, thoải mái, không bị thụ động và đồ dùng trực quan phải to, rõ, đẹp để cuốn hút học sinh học tập.
Việc làm của tôi đã diễn ra liên tục, sau mỗi bài mỗi tháng lại có phiếu kiểm tra cách đọc đúng của học sinh. Tôi rất mừng vì các em học tập tiến bộ hơn nhiều không chỉ ở môn tập đọc mà cả những môn học khác.
Sau quá trình áp dụng các biện pháp trên, hiệu quả mang lại chưa như mong đợi, tôi bắt đầu đi vào các bước luyện chuyên sâu.
2.3.4. Các bước luyện chuyên sâu:
* Luyện phát âm: 
          Khi các em đọc sai từ nào, tôi liền đọc mẫu cho các em lắng nghe. Sau đó tôi phân tích cho các em thấy được đọc như thế nào là đúng, như thế nào là sai. 
Muốn các em đọc đúng, phải giúp các em phát âm chuẩn, đọc đúng từ, đọc đúng loại câu, đúng ngữ điệu câu.  
+ Những em đọc sai âm đầu s/x: Khi các em đọc sai “s” thành “x”, tôi hướng dẫn các em đọc “s” thì đưa hàm dưới ra và uốn lưỡi sát vòm miệng; đọc “x” thì không uốn lưỡi, gần chạm hàm răng dưới.
Ví dụ: tiếng sung/xung: Tiếng sung gồm âm đầu “s”, vần “ung”, đánh vần s-ung-sung. Tôi tiến hành đọc mẫu trước, sau đó hướng dẫn các em lấy hơi, uốn lưỡi sát vòm miệng, dồn hơi bật mạnh ra, đồng thời hạ đầu lưỡi xuống, miệng hé mở, khác hẳn phát âm tiếng xung không uốn lưỡi.
+ Những em đọc sai các vần khó, tôi cho các em dùng thước chỉ những chữ đó, nghe tôi đọc mẫu, tôi cho các em luyện đọc vần đó nhiều lần, tìm những tiếng khác có vần đó cho các em luyện đọc từ, nối từ, đọc câu có từ đó.
Ví dụ một số vần khó các em thường sai: khuya; khúc khuỷu; ngoằn nghèo; ngoe nguẩy;  Tôi mượn lại sách Tiếng Việt lớp 1, hướng dẫn cho các em đọc lại các vần, cho các em tự ghép phụ âm đầu, thanh vào các vần đó để tạo thành tiếng rồi đọc đi đọc lại nhiều lần cho nhớ rồi ghép vào bài.
+ Những em đọc sai thanh hỏi/ngã: tôi nhắc các em đọc cao giọng và lấy hơi kéo dài hơn.
Khi các em đọc sai từ nào thì cho các em luyện đọc thật nhiều lần từ đó. Sau đó kết hợp hình thức đọc nhóm để  nhiều học sinh được tham gia và tham gia nhiều lần trong một tiết học.
* Luyện ngắt giọng: 
Đối với nhóm đọc đúng nhưng chưa ngắt nghỉ đúng tôi thường hướng dẫn làm bài tập ứng dụng gạch xiên (/) vào chỗ cần ngắt. Ngắt giọng đúng, dạy đọc đúng là nhiệm vụ của việc dạy tập đọc và cũng là phương tiện để học sinh chiếm lĩnh văn bản đọc. Nếu các em biết ngắt giọng đúng thì sẽ giúp các em lĩnh hội được kiến thức dễ dàng hơn. Nếu ngắt đúng, sẽ giúp người nghe hiểu ngay ý cần diễn đạt. Việc ngắt cũng phải phù hợp với dấu câu, nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu hơn ở dấu chấm. 
Ví dụ:
- Bài Mẹ, một số em ngắt nhịp chưa chính xác:     
Lặng rồi cả / tiếng con ve //
Con ve cũng mệt vì / hè nắng oi //
Nhà em vẫn tiếng / ạ ời //
Kẽo cà /  tiếng võng / mẹ ngồi / mẹ ru //
Tôi tiến hành hướng dẫn các em ngắt nhịp theo hướng dẫn: Nghỉ hơi ngắn ở chỗ có một gạch chéo, nghỉ hơi dài hơn ở chỗ có hai gạch chéo.
Lặng rồi / cả  tiếng con ve//
Con ve cũng mệt /  vì hè nắng oi//
          Nhà em /  vẫn tiếng  ạ ời//        
     Kẽo cà  tiếng võng / mẹ ngồi  mẹ ru//
* Luyện đọc nhấn giọng: Cần hướng dẫn học sinh đọc đúng  ngữ điệu câu, lên giọng ở cuối câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng cho phù hợp với tình cảm cần diễn đạt trong câu cảm. Với câu cầu khiến cần nhấn giọng để thấy rõ nội dung cầu khiến khác nhau. Ngoài ra cần phải hạ giọng khi đọc bộ phận giải thích của câu. Học sinh biết phân biệt được giọng đọc giữa lời kể chuyện và lời các nhân vật. Trong từng bài giáo viên sẽ dự tính những lỗi học sinh sẽ mắc, giọng đọc cả bài, đoạn cần nhấn mạnh, tốc độ đọc.
Việc đọc ngắt giọng, nhấn giọng được chú ý vào những học sinh đã đọc tốt và yêu cầu đọc ở cuối kì I.
          Ví dụ: Ởtrong bài: Người mẹ hiền– Hướng dẫn học sinh đọc với giọng buồn, ngắt hơi, nhấn giọng phù hợp ở các từ ngữ trong câu:
          “Thưa thầy /, hôm nay / em chưa làm bài tập //.” Thể hiện nỗi buồn của An vì bà mất.
* Luyện đọc tròn câu, đọc trôi chảy:
Trong quá trình đọc tôi thường xuyên chú ý nhắc học sinh đọc trọn vẹn câu chứ không phải đọc rõ ràng từng tiếng một, đọc đúng tốc độ.
Tốc độ đọc còn phụ thuộc vào độ khó của bài đọc, thơ đọc chậm hơn văn xuôi, bài nào có nội dung khó hiểu nên cho các em đọc chậm hơn để nắm bài.
* Phương pháp dạy học: 
Trong quá trình dạy học tôi sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp tích cực chủ động của học sinh. Các phương pháp thường được sử dụng trong dạy phân môn tập đọc chủ yếu là: phương pháp nêu vấn đề, phương pháp diễn giảng, các phương pháp hoạt động nhóm và các phương pháp khác cũng vận dụng một cách linh hoạt.  Giáo viên cần sử dụng kí hiệu khi luyện đọc cho học sinh. Thực hiện quy trình giảng dạy một cách linh hoạt nhằm đạt được mục đích yêu cầu bài dạy. Ở những bài dạy có yêu cầu học thuộc lòng, tôi chú ý cho học sinh luyện đọc kĩ hơn, có thể hướng dẫn học sinh vừa ghi nhớ nội dung vừa dựa vào một số từ ngữ trên bảng (điểm tựa) để đọc thuộc toàn bộ (đọc cá nhân, đọc đồng thanh nhịp nhàng,vừa phải) hoặc tổ chức cuộc thi hay trò chơi luyện đọc thuộc lòng một cách nhẹ nhàng gây hứng thú cho học sinh. Yêu cầu tối thiểu là học thuộc từ 8 đến 10 dòng thơ trên lớp. Trong quá trình dạy học tôi cũng thường phân chia đối tượng để có cách dạy phù hợp.
PHẦN III: HIỆU QUẢ CỦA VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TRONGTHỰC TẾ DẠY HỌC.
Trong suốt quá trình giảng dạy tập trung luyện đọc đúng cho các em, tôi thu được kết quả như sau: 
Giai đoạn
 Tổng số học sinh
Đọc to, rõ ràng, chính xác (có em đọc diễn cảm) 
Đọc rõ ràng, ngắt nghỉ chưa đúng chỗ
Đọc chậm, chưa tròn câu
Đọc nhỏ, đọc sai, bỏ chữ, ngắt nghỉ chưa đúng
Đầu năm
24 em
4 em
7em
8 em
5 em
Giữa kì I
24 em
5 em
8 em
7 em
4 em
Cuối kì I
24 em
8 em
9 em
5 em
2 em
Giữa kì II
24 em
10 em
10 em
4 em
0 em
Cuối kì II
24 em
14 em
8 em
2 em
0 em
Qua bảng thống kê trên, tôi nhận thấy phương pháp tôi thực nghiệm đã đạt được kết quả đáng kể. 
Khả năng đọc của các em tiến bộ rõ ràng. Nhờ đó, các em hiểu nội dung bài đọc nhanh hơn. 
Kết quả kiểm tra đọc cuối kì, cuối năm của các em đều tăng lên theo chiều hướng tốt.
Bên cạnh đó, việc các em đọc đúng đã giúp các em học tốt các môn khác hơn như các em đọc và hiểu đề Toán nhanh hơn, làm bài tốt hơn; Các em đọc và nắm nội dung tự nhiên xã hội, đạo đức, tốt hơn.
Bên cạnh việc học tốt hơn, các em còn được tăng cường vốn ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp của các em cũng được tăng lên đáng kể.
PHẦN IV. KẾT LUẬN
1. Tóm tắt ý nghĩa của biện pháp
Qua quá trình áp dụng các biện pháp giúp học sinh lớp 2 nâng cao kĩ năng đọc đúng tôi nhận thấy:
- Việc đọc mẫu của giáo viên có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình luyện đọc của học sinh. Việc đọc mẫu của giáo viên phải thật chính xác, diễn cảm, tạo cảm xúc cho các em, để lớp học có không khí thoải mái, giúp các em dễ tiếp thu, giúp các em có tâm trạng chờ đợi giáo viên đọc, muốn được đọc hay như cô.
- Ngay từ đầu năm học, giáo viên phải kiểm tra, phân loại khả năng đọc của học sinh ngay, tìm các lỗi các em thường sai để có biện pháp luyện đọc phù hợp, kịp thời.
- Giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn cho những em đọc còn chậm, chưa chính xác. Đồng thời, giáo viên cũng phải theo dõi sát sao các em để thấy được quá trình luyện đọc của các em, xem các em tiến bộ được từng nào; động viên, khích lệ để các em cố gắng hơn.
- Thường xuyên ra bài cho các em luyện đọc ở nhà. Trên lớp cũng thường xuyên kiểm tra bài cũ các em này. Tạo nhiều cơ hội hơn cho các em được đọc và nhận xét để các em thấy được sự nổ lực của mình đã có kết quả đáng khen ngợi.
- Cần sử dụng linh hoạt nhiều hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh để lôi cuốn các em vào việc học.
- Việc rèn đọc đúng cho học sinh không thể tiến hành nhanh vội, mà phải cần đến sự kiên trì, chịu khó của bản thân mỗi giáo viên.
- Phải tích cực phối hợp với các giáo viên khác, tạo cơ hội cho các em thể hiện khả năng của mình.
- Không chỉ tiến hành luyện trong giờ tập đọc mà trong các tiết học khác cũng có thể tạo cơ hội cho các em đọc để giúp các em tiến bộ hơn.
2. Kiến nghị, đề xuất
- Nên tổ chức những buổi thi đọc hay, đọc diễn cảm giữa các lớp trong khối để kích thích giáo viên và học sinh cách tự tìm tòi, sáng tạo ra cách đọc hay.
- Tăng cường các loại sách tham khảo, sách nâng cao.
- Nên tổ chức cho giáo viên tập huấn hoặc được dự một số chuyên đề về phương pháp dạy tập đọc theo hướng đổi mới chuyên môn.
- Tạo điều kiện cho giáo viên được dự một số tiết tập đọc ở các đơn vị bạn để có điều kiện học hỏi.
Với sự học hỏi, nghiên cứu phấn đấu nỗ lực của bản thân kết hợp với sự hướng dẫn nhiệt tình và sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp, tôi đã có những thành công đáng kể trong việc chữa lỗi phát âm, luyện đọc đúng cho học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp do tôi phụ trách. Đồng thời, cũng muốn giới thiệu kinh nghiệm trong luyện đọc đúng cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng đọc trong môn Tiếng Việt. Từ đó, thúc đẩy phong trào đọc đúng, đọc hay trong học sinh. Hi vọng  kinh nghiệm trên đây của tôi sẽ góp phần tích cực vào việc luyện đọc đúng của các nhà trường cho học sinh, tạo điều kiện cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Mong đồng nghiệp đọc và đóng góp nhiều ý kiến, biện pháp hay hơn, hữu hiệu hơn để đạt kết quả cao trong việc rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 2 và làm tiền đề cho các lớp trên. Mong được sự góp ý của quý thầy cô giáo. 
Tôi xin chân thành cảm ơn! 
Vĩnh Lâm, ngày 28/09/2020
XÁC NHẬN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Hiệu trưởng
Nguyễn Thị Hà
Người viết
Tôi xin cam đoan đây là biện pháp của mình viết, không sao chép nội dung của người khác.

Tài liệu đính kèm:

  • docxsang_kien_kinh_nghiem_bien_phap_ren_ki_nang_doc_dung_trong_p.docx